Multimedia Đọc Báo in

Thêm cơ hội, tăng thu nhập nhờ được đào tạo nghề

09:10, 10/10/2019

Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, thời gian qua, huyện M’Đrắk đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung đào tạo những ngành nghề phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm.

Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện M’Đrắk đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX) huyện và UBND các xã tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, từ đó tư vấn, định hướng nghề nghiệp cụ thể cho từng đối tượng. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, các giáo viên của Trung tâm GDNN – GDTX huyện luôn tận tình chỉ dạy, đổi mới phương pháp dạy học, chỉ dành khoảng 30% thời gian dạy lý thuyết, còn lại thực hành theo cách “cầm tay chỉ việc”, giúp học viên nhanh chóng và thành thạo tay nghề.

Ông Trần Mạnh Quân, Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện M’Đrắk cho biết: Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm đã mở gần 30 lớp đào tạo nghề cho trên 900 lao động trên địa bàn các xã, trong đó có 12 lớp thuộc nhóm nghề phi nông nghiệp như: xây dựng, sửa chữa máy nông nghiệp, may dân dụng và 12 lớp nông nghiệp như: chăn nuôi heo, gà, bò…

Một lớp đào tạo nghề may dân dụng cho nữ lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số ở xã Krông Jing.
Một lớp đào tạo nghề may dân dụng cho nữ lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số ở xã Krông Jing.

Trước đây, gia đình anh Nguyễn Văn Đường (thôn 18, xã Ea Riêng) xây dựng mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng kết hợp đa cây, đa con. Tuy nhiên, do quy mô nhỏ lẻ, anh Đường không đầu tư chuồng trại và tìm hiểu áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên nhiều năm liền gia đình chỉ lấy công làm lãi. Đầu năm 2018, anh Đường được Hội Nông dân xã Ea Riêng giới thiệu tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi gà do Trung tâm GDNN – GDTX huyện tổ chức. Tham gia lớp học, anh được tiếp cận và nắm bắt kỹ thuật nuôi gà thả vườn; biết cách lựa chọn đặc điểm của một số giống gà phù hợp với địa phương, cách ấp trứng gà nhân tạo, triệu chứng bệnh tật, phương pháp chẩn đoán, phòng và trị bệnh cho gà...

Không chỉ học lý thuyết, anh và các học viên còn đi tham quan thực tế tại các mô hình chăn nuôi gà thả vườn có hiệu quả kinh tế cao tại địa phương. Kết thúc khóa học, tự tin với những kiến thức được trang bị, anh Đường bàn với gia đình mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gà thả vườn. Đến giữa năm 2018, anh được Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện cho vay 50 triệu đồng để đầu tư chuồng trại chăn nuôi gà trên diện tích rộng hơn 50 m2. Biết áp dụng hiệu quả kiến thức đã học, gia đình anh đã có nguồn thu nhập ổn định từ chăn nuôi gà, mỗi lứa gà xuất chuồng anh thu lãi hàng chục triệu đồng.

 

"Phần lớn học viên sau khi học các lớp đào tạo nghề đã có sự thay đổi trong tập quán sản xuất, phát huy được kiến thức đã học, mạnh dạn tạo việc làm tại chỗ hoặc tự tìm kiếm việc làm để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình".

 

 
Ông Trần Mạnh Quân, Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện M’Đrắk

Cũng như gia đình anh Đường, kinh tế gia đình chị H'Yuăn Niê (ở buôn Đắk, xã Cư Mta) đã có nhiều đổi thay sau khi chị tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trước đây, do chăn nuôi gia súc, gia cầm dựa vào kinh nghiệm và tập quán truyền thống là thả rông vật nuôi, không có chuồng trại, thức ăn là cây cỏ dại... nên việc chăn nuôi của gia đình chị hiệu quả chưa cao, đàn vật nuôi thường mắc dịch bệnh.

Sau khi tham gia lớp học nghề về chăn nuôi heo, chị H'Yuăn đã mua 4 con heo giống về nuôi, gia cố chuồng trại, thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp và biết phòng ngừa bệnh cho heo… Nhờ vậy, đàn heo của gia đình nuôi mau lớn, ít dịch bệnh, mang lại hiệu quả cao.  Không riêng chị H’Yuăn mà 35 chị tham gia cùng lớp học nghề đã thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu trước đây, biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, phòng chống bệnh cho heo. Nhiều chị em đã có thể nuôi heo thương phẩm, mỗi năm xuất chuồng 2-3 lứa với thu nhập hàng chục triệu đồng.

Ngoài các lớp dạy nghề nông nghiệp, các lớp nhóm nghề phi nông nghiệp như: xây dựng, sửa chữa máy nông nghiệp, may dân dụng... cũng thu hút đông đảo học viên và mang đến nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Điển hình như chị H’Đét Byă (ở buôn M’lốc A, xã Krông Jing), nhờ tham gia lớp học nghề cắt may dân dụng nên đã có cơ hội thực hiện ước mơ trở thành thợ may của mình. Trước đây, khi học xong THPT, chị H’Đét muốn đi học nghề may song do điều kiện gia đình khó khăn nên chị phải ở nhà làm nông, làm thuê làm mướn. Vừa qua, được tham gia lớp dạy nghề may dân dụng, chị H’Đét tranh thủ thời gian, tham gia tất cả các buổi học để rèn luyện tay nghề, tận dụng quần áo, vải cũ để tập cắt may. Chị hy vọng sau khi thạo nghề sẽ tự mở tiệm may tại nhà và may trang phục truyền thống, quần áo cho người thân, họ hàng, bà con trong buôn làng.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.