Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng mã vùng trồng cho cây ăn quả: Còn nhiều thách thức (Kỳ 2)

09:23, 22/10/2019

[links(left)]

Kỳ 2: Ðẩy mạnh cấp mã số vùng trồng cho cây ăn quả: Bằng cách nào?

Việc cấp mã vùng trồng là hồ sơ hàng hóa cần thiết để thực hiện truy xuất nguồn gốc khi cần. Và sẽ là bước tiến quan trọng cần phải làm để nhiều loại trái cây Đắk Lắk nói riêng và của Việt Nam nói chung có thể bước chân vào các thị trường khó tính.

Bắt đầu từ khâu sản xuất

Bộ NN-PTNT cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 989.000 ha cây ăn quả; năng suất bình quân đạt hơn 10 tấn/ha, sản lượng quả đạt 9 triệu tấn/năm. Hạn chế lớn nhất của việc phát triển cây ăn quả ở Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng là quy mô nhỏ lẻ, phân tán, khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất, kiểm soát chất lượng và tiêu thụ sản phẩm.

Do đó, để phát triển cây ăn quả bền vững và có sản phẩm tốt xuất khẩu thì việc trước tiên cần làm là các địa phương rà soát, quy hoạch vùng trồng cây ăn quả, vùng xuất khẩu để cấp mã số vùng trồng; giám sát việc tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm tại các vùng trồng đã được cấp mã số xuất khẩu; đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa người nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu và các cơ quan nghiên cứu khoa học, tạo sự chặt chẽ, hiệu quả và bền vững; ban hành chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản để có đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu nông sản...

Vườn bơ của HTX bơ nông nghiệp Thắng Lợi (huyện Krông Năng).
Vườn bơ của HTX bơ nông nghiệp Thắng Lợi (huyện Krông Năng).

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, trong thời gian tới, thị trường Trung Quốc sẽ bắt đầu khó tính và sẽ nâng mức kiểm dịch thực vật lên mức cao. Nếu chúng ta không chuẩn bị ngay bây giờ, từ khâu tổ chức sản xuất, canh tác bền vững thì thị trường xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn. Phía tỉnh Đắk Lắk cần có một nghị quyết về việc phát triển cây ăn quả bền vững để có vùng cây ăn quả tập trung, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. Ngành Nông nghiệp cần đưa ra quy trình chuẩn để tập huấn, tuyên truyền cho nông dân thực hiện. Cũng cần quan tâm đến vấn đề quản lý sau khi đã được cấp mã số vùng trồng. Chi cục phải phối hợp chặt chẽ với địa phương để giám sát quá trình sản xuất bảo đảm chất lượng của từng mã số được cấp.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Cây ăn quả Đắk Lắk, hiện tại Hội Cây ăn quả đưa ra những tiêu chí sản xuất theo quy trình chuẩn để cho ra một sản phẩm chất lượng đồng đều và mẫu mã đẹp nhằm đáp ứng theo nhu cầu và thị hiếu của thương lái Trung Quốc. Để đáp ứng yêu cầu về xây dựng mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc thì Hội đã đưa ra tiêu chí là kết nạp hội viên, hướng dẫn quy trình sản xuất theo VietGAP và GlobalGAP, bắt đầu làm chỉ dẫn địa lý, làm mã cốt, mã vạch, chỉ dẫn thương hiệu để trước mắt đưa trái sầu riêng của Đắk Lắk sớm đến với thị trường Trung Quốc và quốc tế.

Chú trọng xây dựng thương hiệu

Bộ NN-PTNT nhận định, xuất khẩu hàng rau quả trong những tháng cuối năm 2019 tiếp tục gặp nhiều khó khăn vì kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn; nhiều thị trường tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường khắt khe. Do đó, vấn đề đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý cho trái cây đặc sản vùng miền, trong đó có trái bơ, sầu riêng của Đắk Lắk là rất cấp bách.

Theo Hội Cây ăn quả Đắk Lắk, có đến 95% lượng sầu riêng Việt Nam là xuất sang thị trường Trung Quốc, chính vì vậy phải định hướng sản xuất cho nông dân và đưa ra chuỗi liên kết để giúp cho bà con nông dân có quy trình sản xuất tốt, an toàn và đạt hiệu quả cao trên vườn cây, tiến tới xây dựng thương hiệu cho vùng trái cây, đặc biệt là cây sầu riêng.

Thương lái thu mua sầu riêng ở xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc).
Thương lái thu mua sầu riêng ở xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc).

Điều rất đáng mừng là vừa qua, có một đối tác ở Trung Quốc sang tìm hiểu thực tế sản phẩm sầu riêng ở Đắk Lắk và đánh giá rất cao vì sản phẩm sầu riêng họ được thưởng thức ở đây chất lượng tốt hơn rất nhiều so với sầu riêng bán ở Trung Quốc. Khi trao đổi về vấn đề giá sầu riêng gặp khó do chính sách nhập khẩu chính ngạch của Trung Quốc thì đối tác này cho rằng đó chỉ là vấn đề chính sách của nhà nước, trên thực tế các tỉnh ở Trung Quốc cũng có thể xin một số chủ trương nhập khẩu trực tiếp.

Tuy nhiên, với sản lượng sầu riêng cả nước tới 400 - 500 nghìn tấn (năm 2018) thì các kênh này chỉ mới là kênh nhỏ. Nhưng dù sao đây cũng là bước khởi đầu để chúng ta đường đường chính chính xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, giảm bớt áp lực tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Và Hội Cây ăn quả Đắk Lắk sẽ là cầu nối liên kết với các đối tác lớn, thương lái, công ty ở Việt Nam tạo ra một chuỗi lên kết giúp cho việc phát triển sầu riêng được ổn định hơn, tránh đi vào con đường chặt - trồng của tiêu, cà phê trước đây. Hội cũng mong muốn trong thời gian tới sẽ nhận được sự hỗ trợ của chính quyền các huyện, xã để cùng bà con nông dân làm tốt khâu sản xuất và liên kết. Nhà nước hỗ trợ kịp thời việc xây dựng thương hiệu cho trái cây của Đắk Lắk, trong đó có sầu riêng để cung cấp đầy đủ những chứng từ quan trọng về chất lượng, truy xuất, mẫu mã và thương hiệu theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Bộ NN-PTNT cho biết, hiện Bộ đang đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc để mở cửa thị trường cho các sản phẩm rau quả. Mặt khác, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trái cây các quy định của Trung Quốc về tăng cường quản lý chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nhập khẩu... nhằm nâng cao ý thức về tiếp cận thị trường và tổ chức sản xuất nông sản xuất khẩu phù hợp với những quy định và nhu cầu nhập khẩu của thị trường này.

Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương tổ chức tốt và xây dựng vùng sản xuất trái cây theo đặc thù và lợi thế của địa phương. Đặc biệt chú trọng áp dụng các quy trình sản xuất tốt nhằm bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm để đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu. Mục tiêu đến năm 2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt trên 4,5 tỷ USD, trong đó trái cây chiếm hơn 3,6 tỷ USD.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.