Multimedia Đọc Báo in

Người dân Buôn Đôn khốn khổ vì thiên tai

09:57, 04/11/2019

Nắng nóng kéo dài trong những ngày đầu năm và ngập lụt xảy ra trong mùa mưa đã khiến cho các loại cây trồng trên địa bàn huyện Buôn Đôn giảm mạnh năng suất, thậm chí là mất trắng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Bà Huỳnh Thị Kim Mai (thôn 9, xã Tân Hòa) buồn bã chia sẻ, hồi tháng 3, tháng 4 hạn hán kéo dài, hết nước tưới nên gần 1 ha đất rẫy trồng tiêu, cà phê của gia đình vàng cháy và nhiều cây đã chết khô. Không chỉ riêng gia đình bà mà trong thôn còn có khoảng gần 70 ha cà phê và 17 ha tiêu của người dân cũng chết khô vì thiếu nước. Thế nhưng khi mùa mưa đến, đợt mưa lớn hồi đầu tháng 8 vừa qua đã làm cho nhiều diện tích cây trồng trong thôn bị ngập úng, một số bị chết, còn lại đều giảm sản lượng nghiêm trọng. Riêng nhà bà Mai thì hàng chục gốc tiêu chết vì bị ngập nước. Vụ cà phê này đã mất mùa do hạn và ngập úng, tiêu lại chết và không có trái, không có nguồn thu trong vụ tới, gia đình bà rất hoang mang vì không biết lấy gì trang trải cuộc sống và tái đầu tư sản xuất.

Gia đình ông Bùi Văn Hóa ở thôn 9, xã Tân Hòa thiếu nước tưới cho cây trồng vào mùa khô nên năng suất giảm mạnh.
Gia đình ông Bùi Văn Hóa ở thôn 9, xã Tân Hòa thiếu nước tưới cho cây trồng vào mùa khô nên năng suất giảm mạnh.

Xã Ea Wer cũng là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng do thiên tai trong thời gian vừa qua. Chỉ tính riêng đợt mưa bão đầu tháng 8 đã khiến hơn 926 ha cây trồng bị ảnh hưởng, trong đó có 276 ha thiệt hại năng suất trên 70%; 132 con gia súc, gia cầm và 7,7 ha thủy sản bị chết và cuốn trôi… Ông Y Thanh Knul (buôn Tul A, xã Ea Wer) than thở, năm nay gia đình ông xuống giống 600 gốc cà phê xen ngô và 2 sào lúa. Đợt ngập lụt hồi tháng 8 đã làm cho 600 gốc cà phê của ông chết gần như hoàn toàn, còn ngô thì chỉ thu được bằng 1/3 của vụ trước. Đau xót nhất là ruộng lúa nuôi sống cả gia đình với diện tích 2 sào bị nước ngập sâu, nhiều ngày mới rút nên sản lượng giảm hơn 70%. Chưa kể hạt lúa dù đang còn ở trên cây chưa gặt về nhưng lại nảy mầm hàng loạt, vụ này coi như mất trắng.

Trong 9 tháng năm 2019, thiên tai xảy ra trên địa bàn huyện Buôn Đôn đã gây thiệt hại lớn về nhà cửa và hoa màu của nhân dân, tổng thiệt hại ước tính gần 43 tỷ đồng, trong đó tổng thiệt hại do mưa bão là 42,5 tỷ đồng, do lốc xoáy là gần 182,3 triệu đồng...

Chủ tịch UBND xã Ea Wer Ngô Lan Anh cho biết, thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn nặng nề nhất phải kể đến đợt mưa bão đầu tháng 8. Hơn chục năm nay trên địa bàn mới xuất hiện ngập lụt diện rộng như vậy. Các vùng bị thiệt hại nhiều nhất là địa bàn thôn 7, buôn Tul A, buôn Tul B... với diện tích cây trồng bị ngập khá lớn, tình trạng mất mùa trầm trọng kể cả đối với cây lâu năm lẫn hoa màu, lúa nước.

Toàn bộ số cà phê gia đình ông Y Thanh Knul ở buôn Tul A, xã Ea Wer xuống giống đều chết trong đợt mưa bão hồi tháng 8-2019.
Toàn bộ số cà phê gia đình ông Y Thanh Knul ở buôn Tul A, xã Ea Wer xuống giống đều chết trong đợt mưa bão hồi tháng 8-2019.

Theo số liệu thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn, trong những tháng mùa khô, toàn huyện có khoảng 3.000 ha cây trồng ngắn ngày bị khô hạn; 2.000 hộ, với trên 6.000 nhân khẩu phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Nỗi khổ vì hạn chưa qua thì người dân trên địa bàn lại đối mặt với mưa lớn kèm theo lốc xoáy diễn ra vào tháng 5 làm nhiều nhà cửa người dân bị tốc mái. Tuy nhiên nặng nề nhất phải kể đến đợt ngập lụt do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và cơn bão số 3 diễn ra vào đầu tháng 8 đã làm ngập 196 ngôi nhà, 2 trường học, 1 trạm y tế; 1.239 ha cây trồng bị thiệt hại; 2.016 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; 26 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 2.816 m đường giao thông liên thôn hư hỏng và sạt lở; 9.100 m đường giao thông bị ngập và 1.230 m kênh mương thủy lợi sạt lở…

Bà Trần Thị Thủy, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn cho biết: Đứng trước diễn biến khó lường của thiên tai, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng phương án ứng phó kịp thời, phù hợp với thực tế. Cụ thể, trong đợt hạn vào mùa khô, Phòng NN-PTNT đã làm việc với các xã và bố trí kinh phí tạm ứng của huyện để khoan 6 điểm giếng cấp nước tập trung tại các thôn, buôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số và các thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao,  không có khả năng khoan giếng để phục vụ nước sinh hoạt. Để trợ giúp người dân từng bước khắc phục hậu quả và vực dậy đời sống sau các đợt thiên tai, Phòng NN-PTNT cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn rà soát những điểm bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, cụ thể đối với từng vùng và từng loại cây để có biện pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất cho người dân…

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.