Multimedia Đọc Báo in

Nhà vườn chuẩn bị vào vụ tết

09:23, 08/11/2019

Còn chưa đầy 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Thời điểm này, nhiều nhà vườn trồng rau, trồng hoa trên địa bàn tỉnh đang xuống giống, tập trung chăm sóc để chuẩn bị cho thị trường tết.

Xuống giống vụ rau tết

Thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) có hơn 100 hộ chuyên nghề trồng rau với tổng diện tích khoảng 50 ha. Ở làng rau Ea Pốk, nghề trồng rau được coi là nghề chính. Rau tại đây được trồng rải đều các vụ quanh năm theo hình thức gối đầu để có rau bán liên tục ra thị trường, nhưng tết là vụ lớn nhất. Thời điểm này, người dân đang đồng loạt xuống giống chuẩn bị cho vụ rau tết năm nay.

Theo nhiều hộ nông dân thì thời tiết năm nay khá thuận lợi cho vụ rau tết bởi trời hơi lạnh, ít mưa và nhiệt độ ban ngày nắng ấm thích hợp cho cây sinh trưởng. Với kinh nghiệm hơn 20 năm trồng rau, chị Phan Thị Hoa, xã viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp - dịch vụ rau an toàn Toàn Thịnh cho biết, để rau lên tươi tốt thì khâu làm đất, phơi ải trước khi bước vào vụ mới đặc biệt quan trọng. Trên hơn 2,5 sào đất chuyên canh rau, sau mỗi vụ, chị dành khoảng từ 10-15 ngày bón vôi khử đất, phơi phóng, cho đất nghỉ trước khi bắt đầu vụ mới để diệt vi khuẩn, sâu bệnh, giúp đất tơi xốp; khi xuống giống, cây sẽ hấp thu các chất dinh dưỡng có trong đất tốt hơn.

Còn với anh Đỗ Văn Cảnh (tổ dân phố Tân Tiến) thì các loại rau lấy củ như cà rốt, củ cải, su hào bao giờ cũng được xuống giống sớm nhất vì thời gian sinh trưởng dài, từ 75-90 ngày; nhu cầu tiêu thụ nhiều và sớm, khoảng đầu tháng Chạp là thị trường đã cần nguồn cung. Riêng đối với các loại rau ăn lá như cải ngọt, mồng tơi, xà lách thì xuống giống trễ hơn, khoảng giữa tháng 11 âm lịch bắt đầu gieo thì từ ngày 15 tháng Chạp là có rau, củ để bán.

Người dân làng rau Ea Pốk đang làm đất, xuống giống cho vụ rau tết.
Người dân làng rau Ea Pốk đang làm đất, xuống giống cho vụ rau tết.

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp - dịch vụ rau an toàn Toàn Thịnh có 42 xã viên trồng rau an toàn theo chuẩn VietGAP đang rất kỳ vọng vào vụ rau bán tết. Theo anh Nguyễn Công Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, vùng đất này rất thích hợp để trồng rau. Trên diện tích 20 ha, các xã viên đang xuống giống, tuân thủ các quy trình trồng rau an toàn để bán dịp tết. Rau thu hái xong là được sơ chế, đóng gói, gắn nhãn trước khi đưa ra thị trường.

Nhiều năm nay, HTX cũng đã làm việc với các đối tác lớn như: siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột, Co.opmart Buôn Hồ và các cửa hàng thực phẩm sạch tại TP. Buôn Ma Thuột để tiêu thụ rau an toàn do các xã viên làm ra. Trung bình mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường khoảng 3.000 tấn rau, củ các loại, trong đó khoảng 20% được bày bán tại các siêu thị và bán cho trường học, bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh.

Theo kinh nghiệm của một số nhà vườn ở đây, bắt đầu từ thời điểm này phải bám sát thời vụ, “canh” thời gian sinh trưởng của từng loại rau để thu hoạch đúng vào dịp tết. Rau bán dịp này giá không cao lắm, bán ra ở vườn nằm ở mức 8.000-14.000 đồng/kg song bù lại, đạt năng suất, lượng tiêu thụ nhiều nên người trồng rau cũng có một khoản kha khá để lo tết.

Chất lượng rau Ea Pốk lâu nay đã được khẳng định trên thị trường nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, đầu ra dễ dàng, không lo bị ế. Để có được điều đó, người dân làng rau ở Ea Pốk đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc sản xuất rau an toàn và có xu hướng canh tác theo hướng thuần tự nhiên. Việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ… để bón cho cây trồng hầu như được hạn chế tối đa; thay vào đó, bà con sử dụng phân sinh học, chú trọng kỹ ở khâu làm đất và dùng vỏ trấu, vỏ cà phê, mùn cưa để bón nhằm tăng dinh dưỡng cho đất, đầu tư hệ thống tưới phun sương…

Chăm sóc hoa cung ứng cho thị trường tết

Thời điểm này, nhiều nhà vườn trên địa bàn TX. Buôn Hồ đã rộn ràng chuẩn bị cho vụ hoa tết. Năm nay là năm thứ ba gia đình chị Biện Thị Bông (ở tổ dân phố Đạt Hiếu 5, phường Đạt Hiếu) trồng hoa cúc kim cương để bán tết. Ngay từ đầu năm, gia đình chị đã chuẩn bị chậu, đất trồng, cọc tre, ủ phân; đến tháng 8 âm lịch thì bắt đầu đưa cây con vào chậu. Vụ hoa tết năm nay, gia đình chị trồng 500 chậu cúc kim cương. Mỗi chậu hoa cúc bình thường có khoảng 60 cây giống, những chậu cúc đại thì số lượng lên đến 250 cây/chậu.

Ngoài việc tưới nước, bón phân, phun thuốc thường xuyên thì ngay sau khi xuống giống, chồng chị phải tiến hành chong điện liên tục vào buổi tối để cây phát triển. Vợ chồng chị Bông chăm chút cho vườn hoa rất kỹ, theo dõi sát sao để canh thời điểm ngắt điện hợp lý cho cây ướm nụ mà không bị sâu bệnh. Ngoài trồng cúc, gia đình chị Bông còn trồng 200 chậu hướng dương và mãn đình hồng. Hai loại hoa này xuống giống muộn hơn, chăm sóc cũng không kỳ công như cúc và hiệu quả kinh tế không cao bằng hoa cúc. Chị Bông bộc bạch: “Gia đình tôi chủ yếu trồng hoa tết bỏ sỉ nên tầm 25 – 26 tháng Chạp đã hết hoa, không sợ bị ế hàng. Trung bình mỗi vụ hoa tết gia đình tôi lãi hơn 100 triệu đồng”.

Vườn hoa cúc chuẩn bị cho vụ tết của gia đình chị Biện Thị Bông (TX. Buôn Hồ).
Vườn hoa cúc chuẩn bị cho vụ tết của gia đình chị Biện Thị Bông (TX. Buôn Hồ).

Bên cạnh hoa cúc, hoa mai thì đào cũng là một trong những loại hoa đắt giá trong dịp Tết. Gia đình chị Lã Thị Hồng đã có kinh nghiệm 12 năm trồng hoa đào ở phường Thống Nhất. Vườn đào 1.000 gốc của gia đình chị thường được xuống giống vào tầm cuối tháng giêng và chăm sóc cẩn thận trong 3 tháng đầu để cây ổn định, phát triển.

Vào mùa mưa dầm (tháng 7 - tháng 8) là lúc cây đào bị bệnh nhiều cũng cần phải theo dõi, chăm sóc liên tục. Thời điểm tất bật tiếp theo của những người trồng hoa đào là từ tháng 11 âm lịch cho đến Tết bởi đây là thời điểm tạo lại cành, tạo lại dáng cho cây và theo dõi thời tiết để hoa nở. Chị Hồng tâm sự, trồng hoa tuy không nặng nhọc như chăm sóc cà phê, hồ tiêu nhưng không hề nhàn rỗi vì hầu như ngày nào cũng phải có mặt ở vườn hoa để kiểm tra sâu bệnh.

Nhiều năm trở lại đây, nắm bắt nhu cầu chơi hoa Tết của người dân tăng cao nên nhiều hộ nông dân ở TX. Buôn Hồ đã chuyển hướng trồng hoa bán dịp Tết. Song, việc thành hay bại của một vụ hoa không chỉ phụ thuộc vào công chăm sóc mà còn tùy vào thời tiết và thị trường. Năm nào kinh tế khó khăn đồng nghĩa sức mua hoa chơi Tết giảm; thời tiết lại là yếu tố lớn quyết định chất lượng của hoa. Vì vậy, người trồng hoa Tết cần nhạy bén trong tư duy và có kinh nghiệm thì mới có được những vụ hoa thành công.

Đỗ Lan - Thái Huyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.