Tìm hướng phát triển cho việc chế biến rau quả tươi
Diện tích và sản lượng quả tươi trên địa bàn tỉnh đang phát triển mạnh, tuy nhiên các nhà sản xuất, kinh doanh vẫn cứ loay hoay với việc phát triển sản phẩm và tìm kiếm thị trường mà chưa chú trọng đến khâu bảo quản, chế biến sản phẩm.
Trong 5 năm qua, diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh tăng rất nhanh, từ 8.696 ha năm 2014 đã tăng lên 20.498 ha năm 2018. Đặc biệt, một số loại cây có giá trị kinh tế cao tăng với mức độ chóng mặt, vượt kế hoạch đề ra vào năm 2020. Cụ thể, sầu riêng gần 7.000 ha, vượt gần 2.000 ha; bơ 5.606 ha, vượt 1.606 ha, đó là chưa kể những diện tích bơ và sầu riêng được trồng xen trong vườn cà phê.
Sản phẩm trái cây sấy của Nanufood được trưng bày tại hội nghị về phát triển cây ăn trái trên địa bàn Đắk Lắk. |
Sự tăng "nóng" về diện tích và sản lượng đã bộc lộ mặt trái của vấn đề, đó là gần đây giá bơ và sầu riêng bắt đầu giảm mạnh, nhất là bơ booth. Điều này cũng cho thấy nguy cơ rơi vào điệp khúc “chặt - trồng” của cây ăn trái Đắk Lắk. Bởi hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất ít nhà máy chế biến và bảo quản nông sản, đặc biệt đối với rau, củ, quả; trong khi đặc thù của các sản phẩm này là thu hoạch tập trung và không dự trữ được lâu nếu không có cách bảo quản sau thu hoạch và không chế biến kịp thời, dẫn đến việc nông dân phải bán vội và thường bị ép giá.
Hiện trên địa bàn tỉnh bắt đầu có khá nhiều hợp tác xã, các tổ nhóm phụ nữ kết hợp giữa sản xuất với chế biến. Đơn cử như Cơ sở chế biến sản phẩm sấy khô và tinh dầu Mai Đặng (thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo). Gia đình anh chị có 3 ha trồng cây ăn quả các loại, nhưng việc bán sản phẩm tươi không mang lại hiệu quả cao bởi giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định mà trái cây lại mau hư nên họ đã tự học và triển khai việc sấy rau củ quả chất lượng cao. Sấy sản phẩm thu từ vườn nhà thành công, anh chị mạnh dạn mở rộng quy mô với nguyên liệu là các loại quả thu mua từ các nhà vườn như: bơ, mãng cầu, thanh long, mít, chuối. Công việc chế biến mặc dù khá bận rộn nhưng bù lại giá trị sản phẩm được nâng cao hơn. Với công suất bình quân gần 1 tạ/ngày, sản phẩm của gia đình được bán khắp cả nước, mỗi ngày trừ chi phí cho lãi khoảng 1,5 triệu đồng.
Hiện số doanh nghiệp chế biến rau, hoa quả chỉ chiếm 2,19% số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. |
Theo số liệu của Sở NN-PTNT, hiện trên địa bàn Đắk Lắk có khoảng 400 cơ sở chế biến, trong đó có 200 cơ sở chế biến cà phê, còn lại là mắc ca, điều, ca cao, củ quả… Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở có quy mô vừa và nhỏ, công suất thấp, dây chuyền máy móc, trang thiết bị thiếu đồng bộ, chưa hiện đại nên chất lượng sản phẩm chưa cao, dẫn đến đánh mất lợi thế cạnh tranh. Đó là chưa kể đến việc liên kết giữa sản xuất - chế biến - thị trường sản phẩm nông nghiệp mặc dù đã được hình thành nhưng còn mang tính tự phát, mới dừng lại ở khâu sản xuất và sơ chế thô, chưa có sự kết nối đúng nghĩa theo tên gọi của nó là phát triển chuỗi giá trị sản phẩm. Do đó, giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp còn thấp.
Một cơ sở sấy củ, quả tươi quy mô nhỏ ở trên địa bàn thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H'leo). |
Trong thực tế, giá thành sản xuất trái cây ở Đắk Lắk vẫn còn cao so với các tỉnh khác vì tỉnh chưa tập trung phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy. Mặt khác các nhà máy chủ yếu đặt ở Đồng Nai và các tỉnh phía Nam nên chưa khai thác được nguồn nguyên liệu của Đắk Lắk. Để khắc phục tình trạng này, cần đặc biệt chú trọng việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm thúc đẩy ngành chế biến nông sản phát triển, thu hút những doanh nghiệp lớn, đầu tư bài bản để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hiện nay, Nanufood (đơn vị thành viên của Tập đoàn sản xuất và Xuất khẩu cà phê An Thái) - một trong những doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất và kinh doanh các sản phẩm trái cây sấy tại Việt Nam - đang triển khai đầu tư trên địa bàn Đắk Lắk. Được biết, Nanufood ứng dụng công nghệ tiên tiến để các sản phẩm củ, quả sấy giữ được hương vị, màu sắc tự nhiên cũng như sản phẩm mang tính hoàn nguyên cao (giữ hương vị gần như lúc còn tươi). Ngoài xuất khẩu, Nanufood chuyển dần sản phẩm vào tiêu thụ tại thị trường nội địa, từ siêu thị đến các nhà phân phối, các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ, những trang thương mại điện tử... nhằm đưa rau quả chế biến trở thành món ăn vặt bổ dưỡng, tiện lợi, an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng trong nước. Thời gian tới, Tập đoàn sẽ tập trung liên kết phát triển các vùng nguyên liệu để ổn định sản xuất, mở ra hướng phát triển khả quan cho việc nâng cao giá trị rau quả cũng như sản phẩm nông sản nói chung của tỉnh.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc