Multimedia Đọc Báo in

Trồng dâu nuôi tằm - hướng phát triển kinh tế mới ở Xuân Phú

10:15, 05/11/2019

Sau nhiều năm thất thu với cây tiêu, nhiều nông hộ trên địa bàn xã Xuân Phú (huyện Ea Kar) đã chuyển hướng sang trồng dâu nuôi tằm.

Năm 2016, sau khi 4 sào tiêu bị bệnh chết, gia đình chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Thanh Phong đã nhổ bỏ, cải tạo lại đất nhưng loay hoay mãi chưa biết trồng cây gì. Qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, tháng 3-2018, vợ chồng chị sang huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) học kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm. Nhận thấy nghề trồng dâu nuôi tằm đơn giản, thị trường có nhu cầu thu mua kén lớn, giá cả cao và ổn định nên vợ chồng chị mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng mua 7 tạ cây dâu giống siêu cành về trồng. Ngoài ra, chị còn làm hầm biogas và nuôi 1.000 con gà thịt. Phế thải chăn nuôi sau khi xử lý qua hầm biogas được bón cho vườn dâu để giảm chi phí đầu tư.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Thanh Phong có nguồn thu nhập cao và ổn định nhờ trồng dâu nuôi tằm.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Thanh Phong có nguồn thu nhập cao và ổn định nhờ trồng dâu nuôi tằm.

Đến tháng 8-2018, khi cây dâu bắt đầu cho thu hoạch, chị Hoa mua tằm giống về nuôi thử nghiệm để tích lũy dần kinh nghiệm. Đầu năm 2019, gia đình chị thuê thêm 1 ha đất trồng dâu để có nguồn thức ăn mở rộng chăn nuôi tằm. Chị Hoa tính toán: Nuôi 1 hộp tằm giống chỉ mất 15 ngày, thu được 70 kg kén, bán với giá trung bình từ 120.000 - 150.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi được khoảng 6 - 7 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng hoa màu và cây dài ngày mà đầu ra hiện rất ổn định.

 
“Trên cơ sở nhóm liên kết trồng dâu nuôi tằm gồm 11 hộ ở thôn Hạ Điền, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đang đề xuất với UBND xã thành lập Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm để liên kết, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất bền vững”.
 
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xuân Phú Hoàng Thị Thu Trang

Cũng thất bại với cây tiêu vì dịch bệnh, gia đình chị Đào Thị Nơi ở thôn Hạ Điền rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu. Đầu năm 2019, chị Nơi bàn bạc với chồng trồng thử nghiệm 1,5 sào dâu giống siêu lá. Đến tháng 8-2019, khi cây dâu cho thu hoạch, vợ chồng chị bắt tay vào việc nuôi tằm và đầu tư trồng thêm 1,5 sào dâu. Mỗi tháng chị nuôi 2 lứa tằm, thu được 60-70 kg kén, sau khi trừ chi phí có lãi trên 6 triệu đồng.

Theo chị Hoa và chị Nơi, cây dâu siêu lá thì cho thu hoạch lượng lá nhiều hơn, còn giống dâu siêu cành sẽ chống chịu hạn tốt hơn. Tùy vào điều kiện tự nhiên của từng vùng để chọn giống thích hợp nhưng muốn cây dâu phát triển tốt đều phải bảo đảm độ ẩm, phun thuốc phòng trừ bệnh rệp sáp, dâu sạch thì tằm đẹp, cho năng suất kén cao. Nuôi tằm không vất vả, chỉ cần tỉ mỉ, cẩn thận và vẫn tranh thủ làm được việc nhà, trong khi đó đầu ra rất thuận lợi, thương lái đến tận nơi thu mua.

Cán bộ xã Xuân Phú thăm mô hình nuôi tằm của gia đình chị Đào Thị Nơi ( thứ 2 bìa phải).
Cán bộ xã Xuân Phú thăm mô hình nuôi tằm của gia đình chị Đào Thị Nơi ( thứ 2 bìa phải).

Theo ông Đào Văn Mạnh, Chủ tịch HĐND xã Xuân Phú, hiện nay trên địa bàn xã đã có trên 30 hộ của thôn 2, 3, 7, Thanh Phong, Hạ Điền, Trung Hóa, Thanh Ba chuyển đổi từ trồng tiêu kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm, mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả cho người dân trên địa bàn.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.