Đồng hành với nông dân trồng mía
Trước tình trạng giá mía nguyên liệu giảm, vốn đầu tư, phân bón, công chăm sóc, thu hoạch tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận của người nông dân, Công ty Cổ phần Mía đường 333 (huyện Ea Kar) đã và đang triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía.
Ông Lê Tuân, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc nguyên liệu Công ty Cổ phần Mía đường 333 cho biết, để duy trì sản xuất ổn định, những niên vụ trước, công ty đã xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích 7.500 ha tại hai huyện Ea Kar và M’Đrắk. Tuy nhiên, trong niên vụ 2019-2020 này, diện tích vùng nguyên liệu mía của công ty chỉ còn khoảng 5.500 ha.
Trước tình trạng diện tích trồng mía ngày càng giảm, công ty đã ký hợp đồng liên kết đầu tư cho các hộ trồng mía theo hình thức trả chậm, nâng mức đầu tư từ 30 triệu đồng lên 32 triệu đồng/ha trồng mới; từ 15 triệu đồng lên 17 triệu đồng/ha lưu gốc; cấp 25 tấn bã mía bùn để nông dân cải tạo đất và giảm 50% lãi suất mua phân bón đầu tư.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường 333 Lê Tuân (bìa phải) kiểm tra, hướng dẫn nông dân cách chăm sóc cây mía. |
"Công ty đã tuyên truyền, vận động 11 hộ trồng mía hợp thửa để xây dựng cánh đồng mẫu lớn rộng 30 ha nhằm liên kết cải tạo đồng ruộng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân".
Ông Lê Tuân, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc nguyên liệu Công ty Cổ phần Mía đường 333
|
Gia đình chị Trịnh Thị Hoài Thi ở thôn 6, xã Ea Sô trồng 15 ha mía. Theo chị Thi, tuy giá mía lên xuống, lợi nhuận “phập phù” nhưng tính đi tính lại vẫn không thể bỏ cây mía được vì vùng đất này rất thích hợp với cây mía. Hơn nữa, trồng mía thu lợi nhuận cao hơn trồng bắp, đậu, còn nếu chuyển đổi sang trồng cây ăn quả thì vốn đầu tư lớn, sau 3-4 năm mới có thu hoạch, nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó nếu ký hợp đồng trồng mía với công ty sẽ được đầu tư sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, giảm lãi suất và hỗ trợ tiền mặt khi giá nguyên liệu giảm, cây mía gặp thiên tai, bão lụt…
Còn ông Lê Sỹ Khánh (thôn 10, xã Ea Sar), người gắn bó với cây mía 23 năm nay cho hay, nếu không có sự đồng hành, hỗ trợ của công ty thì nông dân rất khó để đầu tư trồng mía trên diện tích lớn. Khi được công ty đầu tư ban đầu, nếu chăm sóc tốt thì 1 ha có thể lưu gốc từ 5-7 năm. Gia đình ông có 10 ha đất trồng mía, mỗi năm thu hoạch trên 800 tấn, với giá bán trung bình 750.000 đồng/tấn, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 250 triệu đồng.
Nhờ trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật, năng suất mía của gia đình ông Lê Sỹ Khánh luôn đạt khoảng 80 tấn/ha. |
Ông Lê Tuân cho biết thêm, ngoài các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nông dân, để khắc phục những khó khăn chung của ngành mía đường, Công ty Cổ phần Mía đường 333 cũng đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại nâng công suất nhà máy từ 2.500 tấn mía/ngày lên 3.500 tấn mía/ngày, năng suất, chất lượng sản phẩm tăng.
Đồng thời, công ty đã sắp xếp lại tổ chức bộ máy và hoạt động sản xuất nhằm giảm chi phí quản lý, vận hành, tăng tối đa công suất hoạt động; hợp đồng với Viện Nghiên cứu mía đường khảo nghiệm, nhân giống, giới thiệu cho nông dân những giống mía mới năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống hạn và ít sâu bệnh, thời gian giữ đường lâu hơn như: KK3, VN08-270, K95-156, K88-65…
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc