Multimedia Đọc Báo in

Thu hoạch cà phê chọn lọc: Lợi ích kép

08:46, 07/12/2019

Hiện nông dân trên địa bàn tỉnh đang tất bật cho vụ thu hoạch cà phê mới. Điều đáng mừng là người dân đã bắt đầu nhận thức được giá trị, lợi ích của việc thu hái chín có chọn lọc thay vì hái xô, một đợt như trước đây.

Đây là năm đầu tiên, gia đình anh Y Puk Ayun (buôn Sah A, xã Ea Tul) áp dụng kỹ thuật thu hái cà phê chín theo hướng chất lượng cao. Do cây cà phê ra hoa đậu quả nhiều đợt trong năm, rất khó để tất cả quả chín đồng loạt nên anh chia vụ thu hoạch thành 3 đợt. Đợt đầu và đợt hai anh lựa hái những cây có tỷ lệ quả chín cao (khoảng 90%), đợt cuối cùng chờ hạt chín đều sẽ tuốt đồng loạt.

Để hái được quả chín đúng chuẩn, người hái phải thật cẩn thận sao cho không ảnh hưởng đến các quả còn lại trên cành. Việc hái cà phê chín chọn lọc khá tốn công, anh Y Puk cho biết: Với 1 ha cà phê, thu một lần cần 5-7 công hái trong một tuần; còn thu nhiều đợt công sẽ gấp đôi. Nhưng thu hoạch một lần chỉ được phần lợi trước mắt là tiết kiệm thời gian, chi phí nhân công; còn năng suất, chất lượng cà phê bị ảnh hưởng lớn do tỷ lệ quả xanh quá nhiều. Ý thức được lợi ích lâu dài, anh Y Puk quyết định thu hái cà phê theo hướng chất lượng cao, lấy công làm lời để giảm bớt chi phí thuê nhân công.

Gia đình Y Yô (xã Ea Tul) chỉ lựa hái quả cà phê chín, không hái quả xanh.
Gia đình Y Yô (xã Ea Tul) chỉ lựa hái quả cà phê chín, không hái quả xanh.
 
“Việc thay đổi thói quen thu hoạch cà phê truyền thống không phải trong một sớm một chiều và không một cá nhân, doanh nghiệp đơn lẻ nào làm được mà cần sự vào cuộc của các ban ngành, chính quyền địa phương  tuyên truyền, phổ biến cho người dân đồng thời nhân rộng, tạo điều kiện cho những người sản xuất cà phê chất lượng cao hoạt động hiệu quả”.
 
Anh Dương Thanh Toàn chia sẻ

Còn gia đình ông Y Yô Ayun (buôn Sah B, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) đã có kinh nghiệm trong việc áp dụng quy trình thu hái có chọn lọc trên 3 ha cà phê. Trước đây gia đình ông toàn thu hoạch cà phê một lần nên hái cả quả xanh. Năm 2018, ông liên kết với doanh nghiệp thu mua cà phê chất lượng cao, bắt đầu thu hái cà phê chín 100%. Hái cà phê chín gặp khó khăn về công nhưng đổi lại giá bán cao hơn nhiều so với hái xô.

Ông Y Yô phân tích: Nếu bán tươi, 1 kg cà phê xô có giá 5.000 - 6.500 đồng, còn 1 kg quả chín từ 8.000-10.000 đồng. Tính ra, sau khi trừ công cán thì thu hoạch cà phê chín sẽ lời hơn hái xô khoảng 2.000 đồng/kg hạt tươi; một tấn sẽ lời 1,5 - 2 triệu đồng; nếu phơi khô chế biến thành nhân, giá cà phê chọn lọc cao hơn cà phê xô từ 6.000 - 8.000 đồng/kg, tương đương 6-8 triệu đồng/tấn nhân. Đây là số tiền không nhỏ với người nông dân, nhất là trong thời điểm giá cà phê đang thấp, chi phí đầu tư cao như hiện nay.

Anh Dương Thanh Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Nông sản Thanh Toàn (thôn 1, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) hiện đang thu mua cà phê hái chín với giá 9.000 - 11.000 đồng/kg hạt tươi (kèm yêu cầu, tỷ lệ hạt xanh hườm, tạp chất tối đa 10%) cho hay: Việc hái xô, chế biến xô và bán xô không chỉ đem lại trực tiếp đến lợi ích của người trồng mà còn khiến chất lượng, vị thế cà phê Việt Nam trên trường quốc tế giảm. Với mong muốn thay đổi thói quen thu hoạch của người dân, năm 2018, anh liên kết với các nông hộ chế biến thử nghiệm 5 tấn cà phê nhân chất lượng cao. Kết quả khách hàng rất ưa chuộng vì chất lượng cà phê tốt, người nông dân cũng được lợi khi bán được giá cao hơn cà phê xô. Năm nay, anh mạnh dạn sản xuất 30 tấn cà phê nhân tại xã Ea Kpam, Ea Tul và các xã lân cận trong huyện Cư M’gar.

Sau thu hái, người dân nhặt quả  cà phê xanh, non ra  để riêng.
Sau thu hái, người dân nhặt quả cà phê xanh, non ra để riêng.

Đây là những khu vực có điều kiện đất đai, khí hậu khá tốt để cà phê phát triển cho quả đạt chất lượng cao. Trước vụ thu hoạch cà phê, anh Toàn tổ chức hội thảo tại địa phương giúp nông dân hiểu rõ lợi ích lâu dài của việc hái chín, dần dần thay đổi thói quen thu hoạch, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị của hạt cà phê. Ngày thu hoạch, anh còn cử người tư vấn, hướng dẫn người dân cách thu hái, bảo quản hạt cà phê. Cà phê hái trong ngày sẽ được sơ chế ngay và phơi trong nhà kính với những tiêu chuẩn khắt khe đảm bảo giữ nguyên chất lượng.

Thanh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.