Multimedia Đọc Báo in

Thu nhập cao nhờ nuôi ruồi lính đen

09:16, 10/12/2019

Dù chỉ mới phát triển mô hình nuôi ruồi lính đen gần một năm qua nhưng nhóm thanh niên ở huyện Krông Pắc đã có mức thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.

Anh Nguyễn Kiều Hưng (tổ dân phố 5, thị trấn Phước An) vốn là thợ hàn, làm việc ở tỉnh Bình Phước. Thấy thu nhập không đủ chăm lo cho gia đình, anh trở về nhà cha mẹ ở thị trấn Phước An phát triển mô hình chăn nuôi ngan, gà, vịt, kết hợp với nuôi ruồi lính đen.

Tháng 3-2019, anh Hưng bắt đầu nuôi lứa ruồi đầu tiên và nhận thấy mô hình có thể phát triển để tạo thu nhập nên bắt tay vào xây dựng chuồng trại và mua thêm 2 đợt trứng nữa để nhân đàn. Đến nay, anh đã sở hữu một trại nuôi ruồi lính đen khép kín với tổng diện tích 120 m2, tổng giá trị đầu tư khoảng 30 triệu đồng. Trong đó, khu vực ươm trứng, nuôi sâu rộng 100 m2 với 22 ô chứa sâu kết hợp với thu nhộng và 20 m2 treo màn cước, lợp tôn sáng để làm nơi sinh sản cho ruồi trưởng thành.

Mỗi ngày, anh thu bình quân khoảng 200 g trứng ruồi lính đen và bán chủ yếu qua mạng xã hội, các hội nhóm, diễn đàn về chăn nuôi. Dù giá trứng hiện nay đã giảm phân nửa so với thời điểm đầu năm nhưng anh vẫn đang có mức thu nhập đều đặn hơn 1 triệu đồng/ngày, chưa kể nguồn thu từ bán nhộng và phân sâu. Ngoài ra, anh còn nuôi thêm 500 con gà thịt, 300 con ngan, tận dụng sâu không đạt chất lượng làm thức ăn cho các loại gia cầm này.

Anh Nguyễn  Kiều Hưng  kiểm tra  và thu trứng ruồi lính đen.
Anh Nguyễn Kiều Hưng kiểm tra và thu trứng ruồi lính đen.

 

Nhóm liên kết nuôi ruồi lính đen huyện Krông Pắc hiện có 4 mô hình tại thị trấn Phước An, xã Tân Tiến và Hòa Tiến với tổng sản lượng trứng trên 500 g/ngày.

Anh Kiều Hưng phấn khởi chia sẻ, mỗi tháng, anh chỉ tốn khoảng 2 triệu đồng để mua bã đậu, cám gạo cho ấu trùng (còn gọi là sâu canxi) ăn bổ sung, còn phần lớn thức ăn được vợ chồng anh thu gom từ nguồn phế thải tại chợ huyện như: rau củ hỏng, đầu cá, thịt ươn… Không chỉ tiết kiệm chi phí, mô hình nuôi ruồi lính đen còn mang lại nhiều lợi ích cho môi trường, giúp giảm đến 90% khối lượng rác thải hữu cơ, xử lý được cả phân thải của vật nuôi mà không phát sinh nước thải hay mùi hôi, giảm thiểu các loại mầm bệnh. Bên cạnh đó, việc sử dụng sâu canxi làm  thức ăn cho các loại vật nuôi như gà, vịt, ngan, chim cút, cá, lươn… còn giúp các hộ chăn nuôi giảm từ 30 – 40% chi phí, vật nuôi nhanh lớn, khỏe mạnh, sức đề kháng tự nhiên tăng rõ rệt. Vì lẽ này, ngày càng nhiều người quan tâm và liên hệ với anh để mua trứng ruồi lính đen, tự nhân đàn phục vụ chăn nuôi.

Trong nhóm hợp tác với anh Kiều Hưng có anh Trần Văn Hưng (thôn 2, xã Tân Tiến) cũng đầu tư nuôi ruồi lính đen. Đầu năm 2019, anh Văn Hưng mua trứng ruồi từ Hợp tác xã Hưng Điền (TP. Hồ Chí Minh) về nuôi thử nghiệm. Tuy nhiên, sau khi biết anh Kiều Hưng đã xây dựng trại nuôi ruồi bài bản, anh Văn Hưng chuyển hướng sang chỉ làm nhà lưới nuôi ruồi lấy trứng thay cho việc đầu tư toàn bộ mô hình khép kín. Anh Kiều Hưng sẽ cung cấp toàn bộ nhộng ruồi, còn anh Văn Hưng phụ trách việc kinh doanh trứng ruồi và các sản phẩm liên quan của cả 2 trại. Nhờ đó, anh Văn Hưng chỉ tốn khoảng 5 triệu đồng đầu tư nhà lưới nhưng sản lượng trứng thu hoạch luôn ở mức cao, lên đến 300 g/ngày với số tiền thu được hơn 2 triệu đồng.

Anh Trần Văn Hưng sáng tạo bộ thanh gỗ thu trứng và màn nuôi ruồi lính đen từ thực tế sản xuất của mình.
Anh Trần Văn Hưng sáng tạo bộ thanh gỗ thu trứng và màn nuôi ruồi lính đen từ thực tế sản xuất của mình.

Ngoài ra, từ thực tế sản xuất của mình, anh Văn Hưng cũng phát triển thêm sản phẩm màn nuôi ruồi, bộ thanh gỗ thu trứng theo hướng tiện lợi hơn. Tất cả các sản phẩm: trứng ruồi, nhộng, màn, bộ thanh gỗ… được anh chào bán rộng rãi và có nhiều đơn hàng khắp cả nước. Mô hình đã tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động nữ với công việc gia công màn lưới và mở rộng thêm 2 hộ liên kết nuôi ruồi lấy trứng để đảm bảo sản lượng cung ứng cho các đơn hàng. Anh Văn Hưng cho biết, nhóm của anh đang tích cực mở rộng thị trường, duy trì nguồn cung ứng ổn định và đa dạng hóa sản phẩm để mô hình ruồi lính đen ngày càng phát triển hơn nữa, song hành cùng ngành chăn nuôi trong việc tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn.

Đinh Nga

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.