Multimedia Đọc Báo in

Tìm đầu ra cho sản phẩm gấc

06:56, 08/12/2019

Trước đây, trên diện tích 2 ha đất của gia đình, ông Nguyễn Hồng Khánh (ở thôn 11, xã Ea Ô, huyện Ea Kar) trồng thử các loại cây như: cà phê, điều, cam, quýt… nhưng do chất đất cát, phèn nên đều không đem lại hiệu quả.

Năm 2013, sau khi tìm hiểu trên sách báo, internet và đi nhiều nơi tham khảo một số mô hình kinh tế, ông Khánh nhận thấy gấc là loại cây không kén đất, chi phí đầu tư ít, chỉ cần trồng một lần nhưng có thể thu hoạch được trong nhiều năm liền nên quyết định mua giống về trồng thử.

Ban đầu, ông Khánh chuyển 2 sào cà phê già cỗi sang trồng gấc. Sau một năm trồng và chăm sóc, vườn gấc đã cho thu hoạch lứa đầu tiên, đạt sản lượng 4,5 tấn. Với giá bán 6.000 đồng/kg gấc quả, sau khi trừ chi phi đầu tư, ông thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Thấy hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác, ông đã quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích đất của gia đình sang trồng gấc.

Ông Khánh sấy cơm gấc bằng lò sấy nhiệt.
Ông Khánh sấy cơm gấc bằng lò sấy nhiệt.

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng gấc của ông Khánh, từ năm 2014, một số hộ dân trên địa bàn xã cũng đã chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả, bạc màu sang trồng gấc, tập trung chủ yếu tại thôn 4 và thôn 11, với tổng diện tích khoảng 30 ha.

Theo ông Khánh, ban đầu toàn bộ gấc của người dân trên địa bàn xã được Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Gấc Tây Nguyên (huyện Cư Jút, Đắk Nông) bao tiêu sản phẩm với giá từ 4.000 - 5.000 đồng/kg quả. Tuy nhiên, sau khi thu mua gấc, Công ty liên tục thiếu nợ tiền hàng của người dân trong nhiều vụ liền khiến bà con không có vốn để đầu tư, tái sản xuất. Do đó, nhiều hộ dân không còn mặn mà với cây gấc và tiến hành phá bỏ, những hộ còn lại thì lo lắng sản phẩm làm ra không biết bán cho ai.

 
“Quả gấc có đầu ra ổn định đã giúp người trồng gấc yên tâm sản xuất bền vững, vươn lên làm giàu từ loại cây này cũng như góp phần nâng cao giá trị của quả gấc”.
 
 Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Ô Lê Hoài Sơn

Trước tình trạng đó, ông Khánh đã chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm gấc quả. Ông thường xuyên đưa sản phẩm lên mạng để giới thiệu; kết nối với một số người quen để tìm kiếm các đối tác làm ăn. Nhờ vậy, từ năm 2017 có một số công ty chế biến dược liệu và bánh kẹo phía Bắc và TP. Hồ Chí Minh đã đồng ý hợp tác và nhận bao tiêu gấc cho ông.

Ngoài vườn gấc của gia đình, ông cũng đứng ra nhận thu mua gấc cho bà con tại địa bàn với giá 6.000 đồng/kg quả. Ông Chu Xuân Sinh (thôn 4) cho biết: “Mỗi héc-ta gấc đạt sản lượng khoảng 30 tấn, bán với giá 5.000 - 6.000 đồng/kg quả, người trồng cũng có lãi khoảng 100 triệu đồng”.

Ngoài cung cấp cho thị trường trong nước, ông Khánh còn ký hợp đồng với các công ty xuất khẩu sang Đài Loan, Hàn Quốc với mặt hàng cơm gấc, hạt gấc sơ chế theo phương pháp sấy nhiệt. Trung bình mỗi tháng, ông cung cấp ra thị trường khoảng 1 tấn cơm gấc sấy.

Người dân đang bóc tách cơm, hạt gấc để sấy.
Người dân đang bóc tách cơm, hạt gấc để sấy.

Để đáp ứng yêu cầu của khách hàng và phục vụ sản xuất, đầu năm 2019, ông đã đầu tư khoảng 600 triệu đồng xây dựng khu nhà xưởng và mua sắm hệ thống sấy nhiệt để sơ chế; đồng thời liên kết và nhận bao tiêu sản phẩm với giá bảo hiểm là 5.000 đồng/kg quả cho người trồng gấc tại địa phương và một số xã lân cận như Ea Sar, Phú Xuân, Cư Elang… với tổng diện tích hơn 10 ha. Hiện ông đang thu mua cho người dân với giá 8.000 đồng/kg quả.

Với mong muốn giúp người dân trong vùng cùng phát triển kinh tế và làm giàu từ cây gấc, ông Khánh đã tiến hành ươm giống để cung cấp cho những hộ dân có diện tích đất trồng tiêu bị chết chuyển sang trồng gấc, với diện tích khoảng 20 ha và cam kết thu mua sản phẩm cho bà con ngay từ đầu vụ với giá từ 7.000 - 8.000 đồng/kg quả.

Tuyết Mai

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.