Multimedia Đọc Báo in

Trồng bơ - hướng đi hiệu quả của nông dân Cư M'gar

09:15, 10/12/2019

Những năm gần đây, nhiều nông dân ở huyện Cư M’gar đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng bơ và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cây bơ được nông dân huyện Cư M’gar đưa vào trồng từ nhiều năm trước nhưng những năm gần đây mới phát triển mạnh. Nếu như trước đây bà con chỉ trồng với diện tích nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ cho gia đình thì nay nhiều hộ đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng bơ thương phẩm.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar, toàn huyện hiện có 1.000 ha bơ (chiếm hơn 66,6% tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện); trong đó, có 700 ha bơ booth. Những diện tích bơ này chủ yếu được nông dân trồng xen canh trong các vườn cà phê, tập trung tại các xã như: Cư Dliê M’nông, Cư Suê, Ea Kpam, Quảng Hiệp...

Nhiều nông dân đã chủ động đưa các giống mới vào sản xuất, chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng. Đặc biệt, địa phương đã thành lập một hợp tác xã bơ với hơn 50 thành viên tham gia, diện tích sản xuất trên 100 ha bơ được trồng khá tập trung, quy mô bình quân mỗi vườn cây từ 100 cây bơ trở lên…

Ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho biết: “Hầu như các vườn cà phê đều được nông dân trồng xen thêm bơ. Mỗi héc-ta cà phê có thể trồng xen thêm từ 50 – 70 cây bơ, mỗi cây bơ có thể cho sản lượng khoảng 100 kg. Giá bơ như hiện nay cũng mang đến cho nông dân thu nhập đáng kể trong khi bơ là cây trồng khá dễ tính, chi phí đầu tư thấp”.

Anh Huỳnh Xuân Lợi  chăm sóc  vườn bơ  của gia đình.
Anh Huỳnh Xuân Lợi chăm sóc vườn bơ của gia đình.

Quả thực, các vườn bơ trên địa bàn huyện Cư M’gar đang mang lại hiệu quả khá cao cho nông dân, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí lên đến cả tỷ đồng mỗi năm từ cây bơ. Như hộ anh Huỳnh Xuân Lợi (ở tổ dân phố 3, thị trấn Quảng Phú) là một trong những hộ có thu nhập khá từ cây bơ. Anh Lợi bắt đầu trồng bơ từ năm 2011 xen trong 1,4 ha cà phê của gia đình.

Để bảo đảm chất lượng, anh trực tiếp tìm những cây bơ cho quả to và ngon để cắt chồi mang về tự ghép hay nhân giống, giống bơ được anh trồng chủ yếu là bơ sáp. Nhờ lựa chọn được giống bơ phù hợp, chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật nên vườn bơ của anh Lợi phát triển xanh tốt, hạn chế được sâu bệnh và cho năng suất cao.

Sau 7 năm trồng, đến nay gia đình anh Lợi đã có 50/70 cây bơ đang trong giai đoạn thu hoạch, bình quân mỗi năm thu được khoảng 3 tấn bơ. Với giá bán dao động từ 10.000 – 20.000 đồng/kg, đặc biệt có những thời điểm lên đến 25.000 – 30.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, gia đình anh vẫn có nguồn thu nhập đáng kể. Dự kiến thu nhập của gia đình sẽ còn cao hơn trong thời gian tới khi những cây bơ còn lại đồng loạt cho thu hoạch…

Tương tự, năm 2010 gia đình anh Nguyễn Chí Lộc (ở tổ dân phố 7, thị trấn Quảng Phú) đã mạnh dạn đưa 30 cây bơ booth vào trồng xen trong 1 ha cà phê của gia đình. Vườn bơ của anh có năng suất, chất lượng quả ổn định. Dù năm nay mất mùa, năng suất không bằng các năm trước nhưng gia đình anh vẫn thu được hơn 1 tấn bơ, với giá bán như hiện nay, anh cũng thu được hàng chục triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư chăm sóc không đáng kể, chủ yếu được tận dụng từ việc trồng và chăm sóc cây cà phê…

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.