Xuất khẩu lao động: Con đường làm kinh tế hiệu quả
Thời gian qua, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, là một trong những giải pháp quan trọng góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, gần 5.500 lượt người có nhu cầu đi XKLĐ đã được các doanh nghiệp tư vấn thông tin, giáo dục định hướng, trong đó, gần 1.000 lao động xuất cảnh đi làm việc tại nước ngoài. Các thị trường trọng điểm là: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, với công việc chủ yếu là công nhân xây dựng, cơ khí chế tạo, sản xuất, chế biến thực phẩm, giúp việc gia đình… Qua khảo sát thực tế, hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có người tham gia XKLĐ.
Chị Đặng Thị Thùy Vân (thôn Đông Sơn, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) là một trong những lao động trẻ đã “đổi đời” nhờ đi XKLĐ. Năm 2016, sau khi tốt nghiệp ngành May mặc tại Trường Trung cấp nghề tư thục Tân Tiến (Lâm Đồng), thông qua kết nối của Công ty Cổ phần Đầu tư và thương mại tạp phẩm Sài Gòn, chị được tuyển đi làm việc tại Nhật Bản.
Trước khi vào làm việc chính thức, chị được công ty đào tạo nâng cao tay nghề, nhất là may công nghiệp các sản phẩm quần áo cao cấp, da bọc ô tô trước đây ở trường chưa được học. Ấn tượng đầu tiên với chị Vân tại doanh nghiệp này là môi trường làm việc chuyên nghiệp, hệ thống dây chuyền máy móc hiện đại, bố trí gọn gàng, ngăn nắp.
Bên cạnh được làm đúng công việc chuyên môn, chị cũng được hưởng các quyền lợi về phúc lợi, bảo hiểm và chỉ được làm thêm 1 – 2 giờ/ngày để bảo đảm sức khỏe. Trở về quê sau 3 năm lao động tại đất nước có nền công nghiệp hóa cao, ngoài hỗ trợ bố mẹ xây nhà và phụ giúp 2 em đi học, chị Vân đã để dành được 700 triệu đồng làm vốn.
Bên cạnh thu nhập khá, thời gian làm việc ở Nhật Bản cũng giúp chị có những trải nghiệm, tích lũy vốn sống bổ ích, đó là những kiến thức về văn hóa, cách giao tiếp văn minh, ý thức trách nhiệm với công việc và cộng đồng. Về nước từ tháng 6 – 2019, hiện chị đang dạy nghề may và tiếng Nhật cho học viên tại một công ty chuyên tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc nước ngoài.
Chị Đặng Thị Thùy Vân đang làm việc cho một công ty tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài. |
Tương tự, chị Lê Thị Thanh Thảo (tổ dân phố 6, phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) cũng được hưởng lợi từ công tác XKLĐ. Năm 2017, chị sang Nhật Bản lao động và được giới thiệu làm việc tại một công ty chuyên về chế biến thực phẩm. Công việc ổn định, thu nhập khá nên mỗi tháng chị gửi hơn 20 triệu đồng về cho gia đình sau khi trừ các chi phí.
Sau 2 năm làm việc tại nước ngoài, hiện chị đang làm kế toán cho một doanh nghiệp vận tải và sử dụng vốn tích lũy được trong thời gian đi XKLĐ để mở cơ sở kinh doanh ẩm thực tại TP. Buôn Ma Thuột. Chị Thảo chia sẻ, không chỉ có mức thu nhập khá, người lao động đi làm việc nước ngoài còn được tiếp cận công nghệ sản xuất hiện đại, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, có tính kỷ luật cao và học được nhiều điều hay trong văn hóa ứng xử.
Kết quả khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, ngoại tệ từ người đi làm việc ở nước ngoài gửi về cho gia đình khoảng 3.500 - 3.700 USD/người/năm. Thu nhập bình quân của người lao động địa phương đi XKLĐ đạt 25 triệu đồng/người/tháng, trong đó, một số thị trường có thu nhập cao như Hàn Quốc: 30 - 35 triệu đồng/người/tháng, Nhật Bản 25 - 30 triệu đồng/người/tháng. Đa phần các gia đình có con em đi XKLĐ có cuộc sống tốt hơn; trình độ tay nghề, kiến thức ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động sau khi về nước được nâng lên đáng kể. Đây là nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nhất là những lĩnh vực đòi hỏi trình độ, tay nghề và kỹ thuật cao.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác XKLĐ, thời gian tới, địa phương sẽ chú trọng đào tạo nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động trong và nước ngoài, đặc biệt là lao động có đủ tư cách, đạo đức, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, ngoại ngữ cao và sức khỏe tốt; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho người lao động có nhu cầu XKLĐ; hướng dẫn cho người lao động tiếp cận những doanh nghiệp có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực này; đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động đang làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Từ kinh nghiệm thực tế, chị Đặng Thị Thùy Vân chia sẻ, khi đi XKLĐ, người lao động cần tìm hiểu kỹ thị trường, mức lương và công việc của doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để nhanh chóng thích nghi và hạn chế rủi ro; chịu khó học thêm ngoại ngữ, tay nghề, chấp hành tốt nội quy của công ty và pháp luật của nước sở tại, đồng thời, nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong môi trường lao động đến từ nhiều nơi khác nhau. |
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc