Multimedia Đọc Báo in

Hướng tới mục tiêu tạo lập thương hiệu "Gạo Krông Ana"

10:00, 07/02/2020

Tháng 10-2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo Krông Ana” – đây được xem là bước khởi điểm để tạo lập thương hiệu “Gạo Krông Ana” trong tương lai.

Huyện Krông Ana có hơn 11 nghìn ha lúa nước, tập trung chủ yếu ở các xã Quảng Điền, Bình Hòa, Dur Kmăl và thị trấn Buôn Trấp. Địa phương có khí hậu ôn hòa, đặc biệt thời gian chiếu sáng các ngày trong năm cao, lượng phù sa bồi đắp của 2 con sông lớn là điều kiện thuận lợi để phát triển cây lúa nước.

Thuận lợi về điều kiện tự nhiên, cộng với việc áp dụng cải tiến công nghệ vào hoạt động sản xuất tại các cánh đồng và đưa các giống mới chất lượng, phù hợp với thổ nhưỡng nên năng suất lúa hằng năm trên địa bàn huyện được nâng cao.

Cụ thể, năng suất lúa trung bình toàn huyện đạt 7,6 tấn/ha, riêng các vùng chuyên canh sản xuất lúa như xã Quảng Điền đạt 8,5 tấn/ha; xã Bình Hòa và thị trấn Buôn Trấp đạt 8 tấn/ha; xã Dur Kmăl đạt 7,5 tấn/ha; các xã còn lại gồm: Băng Adrênh, Ea Na, Ea Bông và Dray Sáp năng suất từ 5,8 – 6 tấn/ha. Sản lượng lúa trung bình toàn huyện đạt 80.000 tấn/năm, cung ứng cho thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Tham quan mô hình đưa giống lúa mới vào sản xuất thử nghiệm ở xã Bình Hòa, huyện Krông Ana.
Tham quan mô hình đưa giống lúa mới vào sản xuất thử nghiệm ở xã Bình Hòa, huyện Krông Ana. Ảnh: M. Thuận

Cùng với hoạt động sản xuất, theo thống kê trên địa bàn huyện có 40 cơ sở kinh doanh, xay xát lúa gạo. Trong đó, có khoảng 10 cơ sở xay xát có quy mô lớn, công suất trung bình từ 30 - 50 tấn/ngày, tập trung ở xã Bình Hòa và Quảng Điền. Tuy nhiên, công nghệ máy móc ở các cơ sở vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nên sản phẩm chưa cạnh tranh được với cơ sở chế biến của các tỉnh, thành khác.

Trên cơ sở được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu “Gạo Krông Ana”, đầu tháng 1 - 2020, UBND huyện đã tổ chức Hội thảo công bố, quảng bá nhãn hiệu Chứng nhận “Gạo Krông Ana”, với mục đích giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về phát triển lúa nước và quảng bá nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana” đến người tiêu dùng, các doanh nghiệp… Đồng thời thông tin cơ sở pháp lý bảo vệ cho quyền lợi nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana”, chống những hành vi xâm phạm tới quyền sử dụng nhãn hiệu.

Theo đó, nhiều hình thức quảng bá nhãn hiệu được địa phương đưa ra. Cụ thể, sẽ xem xét 2 đến 3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cơ sở xay xát gạo bảo đảm yêu cầu để cấp quyền sử dụng nhãn hiệu, đồng thời có cơ chế hỗ trợ triển khai thực hiện…

Đến thời điểm hiện tại, đã có HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh (xã Bình Hòa) có đơn đề nghị cấp mới Giấy chứng nhận nhãn hiệu “Gạo Krông Ana”. Được thành lập từ tháng 5-2011, HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh hằng năm cung cấp các dịch vụ tưới tiêu cho khoảng 400 ha lúa nước khu vực Trạm bơm 3 thuộc xã Bình Hòa. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, HTX liên kết sản xuất lúa giống với các hộ dân, tổng diện tích gần 200 ha. Theo đó, HTX phối hợp với Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, giống lúa thuần để sản xuất theo quy trình.

Trên cơ sở đó, HTX khoanh vùng theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, áp dụng máy móc kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời kiểm soát và khống chế sâu bệnh nên tiết kiệm chi phí, mang lại giá trị kinh tế cao. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, từ vụ đông xuân năm 2018 – 2019, HTX thí điểm trên diện tích 5 ha theo quy trình sản xuất hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học để bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa.

Song song với đó, HTX thí điểm cấy nấm xanh trên đất nhằm giảm thiểu tác động của sâu bệnh, nhất là rầy nâu. Nhờ áp dụng biện pháp kỹ thuật, quy trình sản xuất nghiêm ngặt, năng suất lúa tại vùng thí điểm đạt 9 tấn/ha, cao hơn mức năng suất trung bình của toàn huyện. Với giá bán thời điểm sau thu hoạch 10.000 đồng/kg lúa, nông dân vùng thí điểm thu về khoảng 70 triệu đồng/ha (cao hơn mức giá lúa sản xuất bình thường 10 triệu đồng/ha).

Ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc HTX cho biết, trên cơ sở thí điểm thành công 5 ha ban đầu, vụ đông xuân năm 2019 – 2020, HTX tiếp tục sản xuất lúa hữu cơ trên diện tích 30 ha, đây cũng là diện tích để đơn vị đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo Krông Ana”. Đồng thời, HTX đã có tờ trình xin chủ trương thuê đất xây dựng nhà máy chế biến tại khu vực thôn Sơn Trà, xã Bình Hòa với diện tích 1,6 ha gồm các hạng mục như: nhà xưởng, lò sấy, dây chuyền chế biến, khu sân phơi, hệ thống nhà làm việc… nhằm hướng tới quy trình khép kín từ sản xuất đến chế biến sản phẩm.

Nông dân xã Bình Hòa chăm sóc lúa vụ đông xuân năm 2019-2020.
Nông dân xã Bình Hòa chăm sóc lúa vụ đông xuân năm 2019-2020.

Ông Nguyễn Minh Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Ana khẳng định, việc triển khai xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana” là một yêu cầu cấp thiết, nhằm khẳng định lợi thế sản phẩm gạo Krông Ana, nâng cao sức cạnh tranh, phát huy lợi thế, tiềm năng hiện có, thúc đẩy nền nông nghiệp của huyện ngày một phát triển theo hướng sản xuất bền vững.

Thời gian tới, cần có sự đồng thuận, hợp tác, liên kết giữa người dân với các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh để áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến sản phẩm bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm từng bước khẳng định Chứng nhận nhãn hiệu, hướng đến tạo lập thương hiệu “Gạo Krông Ana”.

Đồng thời khuyến khích áp dụng hình thức sản xuất lúa hữu cơ, sử dụng các công nghệ sinh học trong phòng, trừ sâu bệnh đảm bảo an toàn; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, gắn với cánh đồng mẫu lớn, tiến tới ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa nước nhằm mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Trong những năm gần đây, người dân huyện Krông Ana đã canh tác thành công nhiều giống lúa đặc sản, có năng suất, sản lượng và chất lượng cao như: RVT, HT1, VS1, OM4900, OM6162… Trong đó, giống RVT được trồng phổ biến nhất, chiếm tới khoảng 40% tổng diện tích lúa nước toàn huyện, OM4900 chiếm 20%, OM6162 chiếm 10%...

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.