Multimedia Đọc Báo in

Cô gái trẻ khởi nghiệp với chuỗi sản xuất và tiêu thụ nấm

14:31, 27/03/2020

Tự mày mò học nghề trồng nấm từ khi mới là sinh viên năm thứ 2, em Nguyễn Thị Hạnh (sinh năm 1995) đã làm chủ một cơ sở sản xuất phôi nấm và tiêu thụ nấm thương phẩm sau khi rời ghế giảng đường.

Con đường đến với nghề trồng nấm của Hạnh không bằng phẳng bởi hầu hết kiến thức đều được em nhặt nhạnh trên Internet. Ngoài giờ học ở trường, Hạnh thường tìm đến nhiều trại nấm để xin tham quan, tìm hiểu cách thức ươm trồng, chăm sóc loại thực phẩm sạch này rồi tự xâu chuỗi, tìm hướng đi cho riêng mình.

Để có vốn khởi nghiệp, Hạnh mạnh dạn trình bày ý tưởng với cha mẹ, tự nhẩm tính chi phí cha mẹ đầu tư cho việc học của Hạnh cho đến khi ra trường rồi xin được “ứng” trước số tiền này để đầu tư trồng nấm. Ban đầu, cha mẹ Hạnh không muốn con mạo hiểm, em phải kiên trì thuyết phục mới nhận được sự đồng tình và hỗ trợ của cha mẹ.

Em Nguyễn  Thị Hạnh  hướng dẫn  hộ liên kết  kiểm tra  nhiệt độ  của trại nấm.
Em Nguyễn Thị Hạnh hướng dẫn hộ liên kết kiểm tra nhiệt độ của trại nấm.

Cầm trong tay 60 triệu đồng tiền vay vốn từ tương lai của chính mình, Hạnh đầu tư lò hấp, nhà trồng nấm và các nguyên liệu khác. Mỗi cuối tuần, Hạnh lại đón xe buýt từ Trường Đại học Tây Nguyên về nhà tại xã Ea Pal (huyện Ea Kar), tự tay đóng mùn cưa, hấp bịch, cấy phôi. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, em đầu tư 5.000 bịch linh chi thì có đến phân nửa bị nhiễm mốc xanh phải bỏ đi. Số tiền thu được từ lứa nấm đầu tiên chỉ đủ tái đầu tư cho đợt tiếp theo. Em lại tự mày mò xử lý môi trường của trại, khắc phục tình trạng mốc xanh, sản xuất giãn đều theo hình thức gối đầu. Sản phẩm nấm linh chi được em chào bán qua kênh mạng xã hội và theo chân những người đi trước tại địa phương để cùng tham gia quảng bá tại các hội chợ. Ngoài ra, em cũng nhận đặt hàng sản xuất phôi nấm để có thêm thu nhập.

Theo đuổi mô hình sản xuất nấm linh chi suốt 2 năm học đại học, em nhận thấy thị trường của mặt hàng này đang chịu sự cạnh tranh lớn, mức tiêu thụ không cao. Vì vậy, giữa năm 2018, ngay sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, Hạnh chuyển hướng sang xây dựng chuỗi sản xuất nấm thực phẩm, lấy chủ lực là giống nấm bào ngư Nhật. Hạnh vay thêm tiền, thuê xưởng sản xuất ngay tại khu vực thị trấn Ea Kar, đầu tư lại lò hấp cùng các phương tiện khác, tập trung sản xuất phôi nấm cung ứng cho thị trường. Em thuê xe tải nhỏ cùng hàng chục nhân viên tiếp thị chào bán các bịch phôi nấm đến từng hộ dân, hướng dẫn kỹ thuật và cam kết đổi, trả trong trường hợp nấm mọc không đều, không đảm bảo sản lượng. Sang tháng thứ 3, mô hình kinh doanh này nhanh chóng bộc lộ bất cập do nhân viên chỉ chú trọng doanh số mà không theo sát quá trình thực hiện của người dân dẫn đến tỷ lệ phôi hỏng cao. Hạnh đã tổ chức lại hoạt động của cơ sở theo hướng cùng nông dân sản xuất, bắt đầu từ việc tổ chức hội thảo, giới thiệu quy trình làm nấm đến từng thôn, buôn.

Nguyễn Thị Hạnh đã xây dựng được Cơ sở sản xuất nấm sạch Hara. Em là một trong các thành viên sáng lập Cửa hàng giới thiệu và cung ứng các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm an toàn huyện Ea Kar. Đây là điểm quảng bá, kết nối thường xuyên giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại huyện Ea Kar với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

 Tất cả các hộ đăng ký tham gia chuỗi sản xuất đều được một nhân viên kỹ thuật hướng dẫn, hỗ trợ từ khâu chuẩn bị cho đến khi thu hoạch. Các hộ có thể bán trực tiếp nấm bào ngư Nhật cho tiểu thương, bán lẻ tại địa phương hoặc được cơ sở của Hạnh bao tiêu với giá ổn định 30.000 đồng/kg. Sau khi kết thúc chu kỳ khai thác bào ngư Nhật, nhân viên kỹ thuật lại hướng dẫn bà con tái sử dụng mùn cưa để làm nấm rơm.

Hạnh cho biết, với chi phí đầu tư khoảng 6 – 7 triệu đồng/1.000 bịch nấm, các hộ liên kết sẽ có thu nhập gần 2 triệu đồng/tháng. Mỗi mô hình có quy mô 4.000 - 5.000 bịch theo hình thức sản xuất gối đầu. Nhờ lợi thế nhàn công, đầu ra ổn định, rủi ro thấp, nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển đổi sang trồng nấm từ việc cải tạo chuồng trại cũ.

Hiện nay Hạnh đã liên kết sản xuất với hơn 100 hộ tại các huyện Ea Kar, Krông Pắc, M’Đrắk và cung ứng khoảng 300 kg nấm tươi/ngày cho các chợ, nhà hàng, doanh nghiệp ở trong tỉnh, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa… Cơ sở cũng tạo việc làm ổn định cho 4 nhân viên kỹ thuật với mức lương từ 5 – 7 triệu đồng/tháng và công việc thời vụ cho hàng chục lao động tại địa phương. Thành công bước đầu này là nguồn động lực để cô gái nhỏ tiếp tục mở rộng vùng liên kết sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến đến việc thành lập doanh nghiệp trong thời gian không xa.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.