Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp tìm cách vượt khó trước dịch Covid-19

06:26, 08/03/2020

Từ đầu năm 2020, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, nhiều DN đã linh động duy trì các đơn hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Với thị trường Trung Quốc, nhiều DN xuất khẩu không khỏi lo lắng, bởi đây là thị trường có sức tiêu thụ lớn. Dịch bệnh xảy ra khiến lượng hàng vào thị trường này bị sụt giảm mạnh, hoạt động xuất khẩu đứng trước nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn - An Thái (thuộc Tập đoàn Cà phê An Thái, Khu Công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, do dịch bệnh nên đầu ra cho sản phẩm cà phê chế biến, trái cây sấy ở thị trường này bị sụt giảm. Tác động của dịch bệnh cũng khiến các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm quốc tế… vốn là những cơ hội tốt để DN tìm kiếm đơn hàng, đối tác mới đều bị hủy bỏ. Mới đây, thị trường vừa chính thức mở cửa trở lại, nhưng các quy trình xuất khẩu lại khắt khe hơn để bảo đảm an toàn cho hàng hóa và con người.

Đối tác nước ngoài tìm hiểu về sản phẩm cà phê An Thái.
Đối tác nước ngoài tìm hiểu về sản phẩm cà phê An Thái.

Không thụ động ngồi chờ, một mặt An Thái đã chọn cách tìm kiếm các thị trường mới mang tính ổn định cao hơn, mặt khác đầu tư nghiên cứu để xâm nhập sâu hơn vào những thị trường đang có. Trong nỗ lực mở rộng thị trường mới thay thế cho thị trường truyền thống, An Thái đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào các thị trường Trung đông, châu Âu và các nước Đông Nam Á khác như: Malaysia, Indonesia, Myanma… Theo ông Thắng, đây là những thị trường nhiều tiềm năng, đang có nhu cầu về các mặt hàng nông sản mà trước đây DN chưa dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu sâu về nhu cầu, thị hiếu cũng các tiêu chuẩn kỹ thuật của những nước này. Để nối lại thị trường trong thời điểm này, DN chấp nhập đầu tư chi phí để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về bao bì, nhãn mác... Qua nhiều lần tìm hiểu, đặt mối giao thương, mới đây công ty đã nhận được những tín hiệu khả quan vào các thị trường mới này. Cùng với hình thức bán hàng truyền thống, thời điểm này An Thái chú trọng đẩy mạnh bán hàng trực tuyến thông qua hệ thống thương mại điện tử ở các kênh như: Sendo.vn, Tiki.vn… và hướng tới thương mại điện tử toàn cầu như Amazon.com, Ebay.com để tiếp cận các cơ hội kinh doanh mới.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Phan, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Đắc Hải (Cụm công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, với tình hình hiện nay, ngành sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho ngành cơ khí như DN của ông cũng bị ảnh hưởng đáng kể, kết quả kinh doanh quý đầu tiên của năm 2020 dự kiến sẽ bị sụt giảm mạnh. Nhiều đối tác ngưng nhập khiến lượng hàng bán ra của DN đã giảm khoảng 50% so với trước. Để giữ chân 40 lao động hiện có, công ty đã chủ động xây dựng kịch bản để ứng phó, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp. Trước tiên là trấn an người lao động bình tĩnh, an tâm làm việc, đồng thời duy trì sản xuất dù chấp nhận “chôn vốn” với lượng hàng tồn kho trong thời gian chờ hoạt động kinh doanh phục hồi trở lại. Mặt khác, đối với các đơn hàng hiện có, DN chia sẻ khó khăn cùng đối tác bằng cách cho bạn hàng nợ hoặc thanh toán sau... Ông Phan tin rằng, đây chỉ là khó khăn tạm thời, bởi hoạt động sản xuất của công ty tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ nên không bị phụ thuộc vào sự biến động giá cả của nguồn nguyên liệu khi có dịch bệnh xảy ra. Thêm vào đó, dù khó khăn về đầu ra nhưng nhiều đối tác vẫn sẽ chọn tiêu thụ các sản phẩm phôi do DN làm ra, vì chúng rất cần thiết phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm cơ khí trong ngành chế biến cà phê, cao su, chế biến gỗ...

Xưởng đúc phôi của Công ty  TNHH Sản xuất và Dịch vụ Đắc Hải .
Xưởng đúc phôi của Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Đắc Hải .

Có thể thấy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, mỗi một DN có những chiến lược riêng để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Tuy nhiên, để DN vượt khó trong thời gian này, DN cũng rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ vốn, giãn nợ và giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ xúc tiến thương mại để đa dạng hóa thị trường.

Chủ động ứng phó với dịch, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện những giải pháp ứng phó với tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Theo đó, các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản ở địa phương, không để ứ đọng cục bộ, kịp thời thông báo tình hình đến các DN và người sản xuất để chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất, nhu cầu thị trường tiêu thụ. Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân, DN trên địa bàn tăng cường thu mua nông sản nhất là rau, củ quả, thủy sản, tăng cường công tác quản lý chất lượng, chế biến phục vụ nhu cầu tiêu thụ, xuất khẩu, khuyến khích các DN đẩy mạnh thu mua, cung ứng thị trường trong nước. Hiệp hội DN tỉnh chủ động phối hợp, cập nhật thông tin chính xác về tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn, động viên các DN tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản nhất là các sản phẩm phục vụ chế biến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Sở Công thương cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở liên tục cập nhập tình hình thông quan hàng hóa tại cửa khẩu của các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn… để DN của tỉnh được biết và chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch sản xuất, chủ động đầu ra cho sản phẩm.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.