Cây trái miền Tây trên vùng đất nắng gió
Các xã vùng biên Ia R’vê, Ia Lốp (huyện Ea Súp) có rất đông bà con quê hương Đồng khởi Bến Tre sinh sống và lập nghiệp. Đến với miền đất cằn cỗi, nắng gió này, bà con mang theo nghề làm vườn với các loại cây trái miền Tây như xoài, thanh long, bưởi, mít Thái, ổi nữ hoàng… , qua đó mang lại nguồn thu đáng kể.
Căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Nguyễn Văn Minh ở thôn 9, xã Ia R’vê nằm giữa khu vườn thênh thang cây trái. Nơi đây, từ giọng nói, tính cách xởi lởi, chân thành của chủ nhà cho đến các loại cây trái được gieo trồng lên xanh tốt đều tạo sự gần gũi, thân quen. Như nhiều người con quê hương Bến Tre, năm 2002, vợ chồng ông rời miền quê sông nước để lên xây dựng kinh tế mới tại vùng biên này.
Ngày ấy, Ea Súp còn hoang vắng, điều kiện kinh tế - xã hội, giao thông hết sức khó khăn khiến bà con phải gồng mình gắng sức mới mong bám trụ. Thiếu điện, nước, khí hậu lại khắc nghiệt, nhưng tất cả đều không làm nhụt chí vợ chồng ông Minh. Lấy ngắn nuôi dài, ông bà làm thuê đủ nghề, rồi vay mượn, tích góp dần mở mang diện tích nuôi trồng. Mỗi lần về thăm quê, ông bà lại học hỏi kinh nghiệm và mang ít cây trồng lên miền đất mới nuôi cấy, chăm sóc. Đến hôm nay, họ đã có một khu vườn dừa xanh; hàng nghìn gốc xoài keo, bưởi da xanh, ổi nữ hoàng, mít Thái; một ao thả cá rô phi, tai tượng. Tận dụng phù sa ven hồ cá sấu (thôn 8), ông gieo giống điên điển, vừa tạo món ăn đậm chất quê nhà, vừa tăng thêm thu nhập.
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia R'vê thăm vườn cây trái của gia đình ông Nguyễn Văn Minh. |
“Khó khăn nhất với bà con vùng biên vẫn là vốn và nguồn nước tưới. Nếu nguồn nước được cung cấp ổn định quanh năm thì bà con sẽ còn nhiều cơ hội, động lực hơn để phát triển kinh tế theo hướng trồng các loại cây trái”.
Chị Trần Lệ Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Ia R’vê
|
Giữa năm 2019, thấy cây mía tím cho hiệu quả kinh tế cao, ông tiếp tục đầu tư, trồng thử nghiệm trên diện tích 800 m2. Nhìn ông bà dầm mưa dãi nắng, thoăn thoắt trong mọi công việc đồng áng, ít ai biết họ phải gồng mình vì nhiều gánh nặng. Ông Minh chia sẻ: Hai vợ chồng đều bị bệnh tim, làm được bao nhiêu tiền đều đổ vào thuốc thang và nuôi các con, nên nhiều khi cũng bấp bênh lắm. Cũng may mà gia đình luôn được các cấp quan tâm, đặc biệt là bộ đội biên phòng, các chiến sĩ xuống thăm hỏi, phụ giúp thường xuyên. Như mô hình trồng mía , bộ đội vừa hỗ trợ mọi mặt vừa động viên gia đình làm. Nhiều năm qua, sự nhiệt tình, chân thành ấy là động lực để gia đình ông vun đắp, cố gắng nhiều hơn trên quê hương mới.
Cũng như gia đình ông Minh, vợ chồng ông Nguyễn Văn Bửu (thôn Trung, xã Ia Lốp) cần mẫn mỗi ngày, “gieo” nhiều sản vật quê hương, mong đổi đời trên miền đất mới. Mỗi lần về thăm Chợ Lách (Bến Tre), ông đều tìm hiểu và mang một vài thứ cây trồng lên thử nghiệm. Tuy nhiên đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt khiến gia đình phải loay hoay, bươn chải nhiều mới trồng thành công. Cần mẫn một nắng hai sương, giờ ông bà có 600 gốc nhãn tiêu xuồng và hơn 400 cây xoài Đài Loan, xoài cát. Gần đây, ông còn trồng thêm mấy chục cây dừa lùn, vừa tạo cảnh quan xanh mát, vừa tăng thêm thu nhập gia đình. Nói về mảnh đất Ia Lốp mình lựa chọn, ông bộc bạch chân thành: “Cho đến giờ cuộc sống vẫn còn khó khăn, nhưng đỡ hơn rất nhiều so với những ngày mới rời Bến Tre lên đây. Trước mới xa quê nhớ quay quắt, nhưng giờ ngược lại. Khi đã có gần 20 năm gắn bó với Ia Lốp, chúng tôi đi đâu cũng muốn nhanh trở về”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Minh trồng thử nghiệm cây mía tím trên quê hương mới. |
Mang cây trái miệt vườn lên trồng trên quê hương mới, không chỉ có ông Minh, ông Bửu mà còn rất nhiều bà con trên địa bàn các xã vùng biên. Hộ có điều kiện thì phát triển thành mô hình, hộ ít hơn trồng nhỏ lẻ với các loại cây chính như: dừa, cam, mít, ổi, nhãn, thanh long, xoài, bông điên điển…
Bí thư Đảng ủy xã Ia R’vê Trần Lệ Thủy cho biết, trên địa bàn xã có rất nhiều mô hình trồng cây ăn trái hiệu quả, tập trung ở thôn 7 và thôn 6. Như gia đình chị, những năm gần đây cũng lấy giống ở quê, trồng xen canh 3 ha na Thái, cho hiệu quả kinh tế cao. “Những sản vật này không chỉ là sinh kế để bà con phát triển kinh tế gia đình, mà còn là cách để bà con chung tay xây dựng quê hương vùng biên thêm tươi đẹp, ấm no, trù phú” – chị Thủy tự hào.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc