Ea Kar gồng mình chống hạn
Hạn hán kéo dài khiến hàng nghìn ha cây trồng vụ đông xuân ở huyện Ea Kar bị thiếu nước tưới trầm trọng. Nhiều diện tích lúa đã mất trắng hoặc giảm năng suất đáng kể.
Xã Ea Ô là địa phương có diện tích cây trồng đang chịu thiệt hại nặng lớn nhất huyện. Theo bà Vũ Thị Sen, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ô, toàn xã có 800 ha cây trồng, trong đó có 600 ha lúa đông xuân, với gần 70 ha lúa đã chết khô. Số diện tích bị hạn chủ yếu ở khu vực chưa hoàn thiện hệ thống thủy lợi, phụ thuộc nguồn nước mưa và giếng khoan. Nắng hạn khiến nguồn nước giếng đào, giếng khoan cạn kiệt, không có nước để tưới cho cây.
“Nếu 10 ngày nữa trên địa bàn xã không có mưa thì 100 ha lúa nữa sẽ bị mất trắng hoàn toàn, 17 ha cà phê khô héo không thể đậu trái, gần 42 ha điều cũng bị khô trái không có thu”- bà Vũ Thị Sen nói. Ea Ô không chỉ thiếu nước sản xuất mà đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hiện giếng đào của 109 hộ ở các thôn 1A, 2B, 2C không còn nước. Những hộ thiếu nước sinh hoạt đều là hộ nghèo, không có điều kiện khoan giếng. UBND xã đã vận động các hộ dân trong thôn có giếng khoan còn nước chia sẻ nguồn nước cho những hộ đang thiếu nước trầm trọng.
Bà con nông dân xã Ea Ô nạo vét lòng sông khơi thông dòng chảy, đưa nước về ruộng. |
Trong khi đó, nhiều diện tích cây trồng của Công ty TNHH MTV Cà phê 716 cũng đang đối mặt với hạn nặng. Ông Hoàng Văn Mười, Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Nông nghiệp công ty cho biết, kể từ ngày 10-3, sau khi đập Krông Pách Thượng chặn dòng, nguồn nước sông cạn kiệt, toàn bộ hệ thống máy bơm của đơn vị không thể hút nước lên kênh dẫn dòng. Trước tình hình đó, đơn vị đã huy động hàng trăm công nhân, người lao động ngăn từng đoạn sông, tát nước lên kênh đưa về ruộng. Công ty cũng đã mua thêm 3 hệ thống máy bơm và 6 chiếc máy hút cát để phục vụ công tác chống hạn. Đơn vị nhờ sự giúp đỡ của Công ty quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk Chi nhánh huyện Ea Kar chuyển nước 3 lần từ hồ Ea Rớt về cánh đồng để cứu cây trồng. “Mọi biện pháp để chống hạn đã được đơn vị thực hiện liên tục gần 1 tháng nay song vẫn không thể cứu hết được cây trồng. Trong tổng số 143 ha cà phê, 405 ha lúa, 93 ha khoai lang, đã có 20 ha lúa đã bị cháy khô. Trong thời gian tới nếu không có mưa, cây trồng vụ đông xuân chắc chắn sẽ bị giảm năng suất” - ông Hoàng Văn Mười chia sẻ.
Hạn hán kéo dài cũng khiến cho bà con xã viên Hợp tác xã 714 phải lao đao. Hạn hán diễn ra vào thời điểm lúa trổ bông, khoai đang phát triển củ nên năng suất cây trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Gần 1 tháng nay bà con xã viên, người lao động đã dùng máy múc nạo vét lòng sông, cuốc rãnh, khơi thông dòng chảy, khoan thêm giếng ở giữa cánh đồng để lấy nguồn nước tưới cho cây trồng, nhưng vẫn không thể đảm bảo nguồn nước tưới cho 180 ha lúa và 200 ha khoai lang phát triển. Vụ này năng suất có thể bị giảm từ 50 đến 70%.
Tính đến thời điểm hiện nay, trong tổng số 9.153 ha cây trồng đông xuân ở huyện Ea Kar thì đã có 5.456 ha bị hạn. Diện tích hạn nặng thuộc cánh đồng của Hợp tác xã 714, Công ty TNHH MTV Cà phê 716, các xã Ea Ô, Ea Pal. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Lê Đình Chiến, những năm trước, 63 hồ chứa nước trên địa bàn huyện vẫn đảm bảo tưới hơn 9.000 ha cây trồng. Năm nay do nắng hạn kéo dài nên các sông Krông Pắc, Krông H'năng đã cạn kiệt, nhất là đoạn sông chảy qua xã Xuân Phú, Ea Sô, Ea Sar... đã hết nước. Trước tình hình đó, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra thực tế, thống kê diện tích cây trồng bị hạn ở các địa phương để báo cáo UBND tỉnh kịp thời hỗ trợ kinh phí giúp bà con chống hạn. Bên cạnh đó, huyện đã chia 3 khu vực chống hạn, thành lập tổ điều tiết nguồn nước trên dòng sông Krông Pắc. Khảo sát 3 điểm trên dòng sông Krông H'năng để làm các đập dâng, xả nước từ hồ 333 xuống dòng sông Krông H'năng cứu diện tích cây trồng.
Thanh Nga
Ý kiến bạn đọc