Multimedia Đọc Báo in

Ea Kar hướng đến phát triển chăn nuôi gà bền vững

08:59, 07/04/2020

Nhằm phát triển chăn nuôi gà theo hướng bền vững, thời gian qua, huyện Ea Kar đã tích cực chuẩn bị để tiến đến xây dựng thương hiệu gà thịt của địa phương.

Ea Kar là vùng trọng điểm chăn nuôi của tỉnh. Những năm qua, chính quyền địa phương và người dân đã tận dụng điều kiện tự nhiên để phát triển nông nghiệp hàng hóa, trong đó chăn nuôi gà là một trong những hình thức sản xuất trọng điểm được quan tâm đầu tư.

Theo số liệu thống kê của Trạm Khuyến nông huyện, tổng số lượng đàn gà trên địa bàn huyện dao động tùy theo từng năm và có chiều hướng ngày càng tăng do nhu cầu thị trường và trình độ chăn nuôi của người dân.

Cụ thể, năm 2014 toàn huyện có 1,45 triệu con gà, năm 2015 tăng lên gần 1,9 triệu con, năm 2016 hơn 2 triệu con, năm 2018 gần 2,5 triệu con và năm 2019 lên đến 2,5 triệu con. Theo dự báo, năm 2020 tổng đàn trên địa bàn huyện tiếp tục tăng nhờ những tín hiệu tích cực của thị trường và chất lượng gà thịt tiếp tục được người chăn nuôi địa phương đa dạng hóa thông qua việc chủ động lựa chọn phương pháp chăn nuôi để kiểm soát chất lượng thành phẩm.

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện hiện có gần 100 mô hình chăn nuôi gà có quy mô trên dưới 2.500 con, hàng chục mô hình trên dưới 10.000 con. Hình thức chăn nuôi cũng khá đa dạng như nuôi gà lấy trứng thương mại, nuôi gà lấy trứng làm giống, nuôi gà thịt máy lạnh, nuôi gà bán chăn thả tận dụng phụ phẩm từ trồng trọt...

Người dân Ea Kar giới thiệu gà giống tại Hội chợ thương mại nông sản do địa phương tổ chức.
Người dân Ea Kar giới thiệu gà giống tại Hội chợ thương mại nông sản do địa phương tổ chức.

Không chỉ phát triển gà thịt, việc duy trì, phát triển mô hình gà giống cũng được người dân địa phương chú trọng. Ông Nguyễn Văn Kiên, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar cho hay, ước tính trên địa bàn huyện hiện có khoảng 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh gà giống với nhiều giống gà khác nhau như gà Minh Dư (Bình Định), Dabaco (Bắc Ninh) hay tự lai tạo và đưa giống gà mới vào sản xuất như ở trại gà Nguyệt Thơ, An Phú…

Ông Đoàn Tâm Kê, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm An Phú cho hay, đơn vị đang ký kết với 10 hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Ea Kar và huyện M’Đrắk, Krông Pắc nuôi 25.000 con gà giống. Theo đó, đơn vị hỗ trợ kỹ thuật, thức ăn chăn nuôi và ký cam kết mua trứng cho các hộ dân với giá 5.000 đồng/quả trứng đạt tiêu chuẩn để sản xuất gà giống. Ngoài liên kết sản xuất gà giống, đơn vị còn nghiên cứu sản xuất gà giống lai chọi bảo đảm yêu cầu mẫu mã cũng như chất lượng thịt. Ước tính mỗi tháng đơn vị xuất ra thị trường khoảng 250.000 con gà con.

 
"Nhãn hiệu chứng nhận gà thịt Ea Kar là tiền đề quan trọng cho sản phẩm chăn nuôi của địa phương trong cạnh tranh thương mại cũng như hội nhập toàn cầu khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực".
 
Bà Lê Thị Quỳnh Nhung, cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ea Kar

Với lợi thế về địa hình dọc Quốc lộ 26 rất thuận lợi cho thương mại, chính quyền địa phương và người dân huyện Ea Kar đang nỗ lực khẳng định và xây dựng thương hiệu gà cho riêng mình. Cụ thể, năm 2019 UBND huyện Ea Kar đã lập hồ sơ và thủ tục liên quan để xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm gà thịt Ea Kar theo quy định của pháp luật. Cuối năm 2019, UBND tỉnh cho phép sử dụng địa danh Ea Kar để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm gà thịt. Đầu năm 2020, huyện đã nộp hồ sơ cho Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận gà thịt Ea Kar. Khi được chứng nhận bảo hộ, người chăn nuôi trên địa bàn huyện nếu đủ điều kiện sẽ được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận gà thịt Ea Kar khi thương mại trên thị trường.

Cán bộ Khuyến nông huyện Ea Kar tham quan mô hình chăn nuôi gà giống của một đơn vị sản xuất giống ở xã Cư Ni.
Cán bộ Khuyến nông huyện Ea Kar tham quan mô hình chăn nuôi gà giống của một đơn vị sản xuất giống ở xã Cư Ni.

Theo đại diện của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, xây dựng thương hiệu gà thịt Ea Kar là vấn đề người chăn nuôi địa phương mong mỏi lâu nay. Do đó, huyện đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện thông qua việc định hình phẩm cấp chất lượng, quy mô sản xuất, vùng địa lý được cấp phép sử dụng…

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.