Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Ana: Nông dân trúng mùa khoai, lúa

08:43, 12/05/2020

Suốt 5 năm theo đuổi mô hình một vụ khoai - một vụ lúa, năm nay là năm vui nhất của gia đình anh Nguyễn Đình Cương (tổ dân phố Buôn Trấp).

Gia đình anh có 9 ha đất chuyên canh lúa nước tại cánh đồng Buôn Trấp (thị trấn Buôn Trấp). Vụ đông xuân vừa qua, anh chỉ xuống giống 4 ha lúa nước còn 5 ha chuyển đổi sang trồng khoai lang giống Nhật.

Nhờ có nguồn nước tưới thuận lợi, kỹ thuật thâm canh cao, cả khoai lang và lúa đều phát triển tốt, cho năng suất cao. Anh chị vừa gặt xong 4 ha lúa với năng suất đạt trên 1 tấn lúa tươi/sào, bán cho thương lái với giá 7.800 đồng/kg, cao hơn nhiều so với giá lúa những vụ trước. Với lúa, anh ước tính lãi đạt 50 triệu đồng/ha thì mô hình khoai cho lãi gần gấp 3 lần. Toàn bộ diện tích khoai lang đã được thương lái chốt giá 200 triệu đồng/ha và đặt cọc 50% từ nửa tháng trước. Tổng lợi nhuận vụ đông xuân của gia đình anh đạt gần 1 tỷ đồng.

 Diện tích khoai lang chờ  thu hoạch của gia đình anh  Nguyễn Văn Tuyến
Diện tích khoai lang chờ thu hoạch của gia đình anh Nguyễn Văn Tuyến

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Tuyến (tổ dân phố 1) cũng rất phấn khởi nhờ trúng mùa khoai, lúa. Gia đình anh có 2 ha khoai lang và 1 ha lúa nước. Lợi nhuận vụ đông xuân năm nay ước đạt trên 300 triệu đồng. Anh cho biết, sau 3 năm chuyển đổi một phần diện tích sang trồng khoai lang, đây là năm đầu tiên mô hình này cho lãi cao như vậy nhờ giá thị trường lên cao. Những năm trước, do thu hoạch vào thời điểm khoai rớt giá nên gia đình anh phải chịu lỗ lên đến 60 triệu đồng/ha.

Mô hình trồng khoai lang trên đất lúa được khá nhiều nông dân tại thị trấn Buôn Trấp áp dụng trong vòng 5 năm gần đây. Bà con thường xuống giống vào thời điểm từ tháng 9 đến tháng 12 năm trước, trùng với lịch canh tác lúa vụ đông xuân. Thuận lợi lớn nhất của mô hình trồng khoai trên đất lúa là bà con chủ động được nguồn nước tưới từ hệ thống thủy lợi nên chi phí đầu tư thấp hơn nhiều so với việc đầu tư trồng khoai trên đất đồi. Ngoài ra, nhờ thổ nhưỡng là đất phù sa pha cát màu mỡ nên khoai lang sinh trưởng tốt, đạt năng suất cao, từ 35 – 40 tấn/ha.

Mặc dù năm nay khoai lang cho thu nhập cao, nhưng theo ông Nguyễn Xuân Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Buôn Trấp, vụ đông xuân 2019 - 2020, toàn thị trấn có khoảng 60 ha khoai lang và đều do bà con tự phát chuyển đổi, không nằm trong kế hoạch sản xuất. Do việc canh tác khoai lang tiềm ẩn nhiều rủi ro nên địa phương không khuyến khích phát triển mô hình này mà hướng nông dân đến các giải pháp canh tác bền vững, ổn định diện tích lúa nước, đầu tư nâng cao chất lượng lúa gạo của địa phương.

"Canh bạc" khoai lang

Nhiều nông dân cho biết, nếu thu hoạch đúng thời điểm giá cao, lợi nhuận của 1 ha khoai lang cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa. Nhưng nếu thu hoạch vào thời điểm giá thấp, người dân sẽ chịu lỗ nặng vì thương lái sẵn sàng bỏ tiền cọc hoặc từ chối không thu mua, khoai phải bán với giá rẻ mạt. Nguyên nhân là do hầu hết thương lái mua khoai đều đến từ các tỉnh khác nên người dân không nắm được thông tin về biến động giá cả. Trong khi đó, đa số người dân đều trồng với diện tích lớn, thương lái lại “bao giá” theo diện tích nên chỉ cần giá khoai chênh lệch một vài nghìn đồng là nông dân đã có thể bị thiệt hại hàng chục triệu đồng/ha chỉ trong một vài ngày.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.