Nghiên cứu khoa học công nghệ: Nền tảng phát triển sản xuất
Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ (KH-CN) vào sản xuất, đời sống để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả công việc là xu thế tất yếu hiện nay. Dù còn khó khăn, nguồn lực đầu tư cho nhiệm vụ KH-CN còn hạn chế nhưng nhiều đề tài nghiên cứu đã mang lại hiệu quả tích cực và phát huy tốt vai trò của KH-CN trong cuộc sống.
Cách đây 3 năm, sau khi đề tài “Xây dựng mô hình trồng rau thủy canh ở không gian hẹp cho các hộ dân TP. Buôn Ma Thuột” do kỹ sư Y Lem Niê (Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN) làm chủ nhiệm thực hiện thành công và được nghiệm thu, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng vào thực tiễn để phát triển sản xuất cũng như phục vụ đời sống.
Một số sản phẩm được sản xuất từ các đề tài nghiên cứu được trưng bày và giới thiệu tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học - Công nghệ. |
Theo đó, mô hình trồng rau thủy canh ở không gian hẹp cho các nông hộ có hệ thống đơn giản gồm: giàn đỡ, ống trồng, đường dây cung cấp nước và bể chứa chất dinh dưỡng vận hành hoàn toàn tự động giúp người trồng tiết kiệm được tối đa thời gian chăm sóc. Những loại rau phù hợp với phương pháp trồng này gồm rau ăn lá và ăn quả: cải ngọt, bó xôi, xà lách, rau muống, hành, mồng tơi, cà chua, dưa chuột… Bên cạnh các ưu điểm: cách trồng đơn giản, thiết kế nhỏ gọn, không cần đất, không mất quá nhiều thời gian chăm sóc mà vẫn bảo đảm nguồn rau sạch, phương pháp này còn có khả năng trồng ổn định quanh năm, không phụ thuộc vào thời tiết, nâng điều kiện canh tác lên 10-12 vụ/năm, cho sản lượng mỗi vụ đạt từ 3-5 kg/m2, gấp đôi so với trồng trên đất. Với chi phí đầu tư khoảng 3 triệu đồng, các hộ gia đình đã có một hệ thống trồng rau thủy canh hoàn chỉnh với diện tích 3 m2 để cung cấp nguồn thực phẩm rau sạch cho gia đình sử dụng trong thời gian 5-10 năm.
Ngoài mô hình trồng rau thủy canh, thông qua các đề tài nghiên cứu trồng rau theo hướng VietGAP, mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm ở huyện Buôn Đôn; mô hình trồng nấm sò ở huyện Krông Ana, nấm chân dài ở TP. Buôn Ma Thuột; lúa thảo dược ở huyện Krông Bông; chăn nuôi lợn sóc ở huyện Lắk… đã được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn sản xuất. Hay như mới đây, đề tài thử nghiệm nuôi thuần hóa và sản xuất giống cá rô cờ ở một số địa phương trong tỉnh bước đầu cho hiệu quả kinh tế khả quan và là hướng phát triển cho nghề chăn nuôi thủy sản. Kết quả nuôi thử nghiệm cho thấy cá rô cờ được thu từ tự nhiên (sông Sêrêpốk) có thể nuôi thuần hóa trong ao hoặc lồng và sử dụng tốt thức ăn công nghiệp; tỷ lệ sống 100%. Đây là loài cá có thịt thơm ngon, ngoài ra còn có giá trị làm cảnh; tùy loại cá to hay nhỏ, cá thịt hay cá cảnh mà có giá bán từ 80.000 - 250.000 đồng/kg. Chính vì vậy, việc nhân rộng mô hình nuôi cá rô cờ trong các hộ dân không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà góp phần tạo sản phẩm đặc trưng cho vùng, giảm áp lực khai thác và bảo vệ nguồn gen quý hiếm, giữ gìn sự đa dạng sinh học thủy sản trong tự nhiên.
Mô hình trồng rau trong nhà lưới sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm của một hộ dân ở xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). |
Có thể nói, sự thành công của các đề tài, dự án KH-CN đã và đang giúp các đơn vị, địa phương tiếp cận và ứng dụng thành công nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Theo ông Phạm Thế Trịnh, Trưởng Phòng Quản lý khoa học (Sở KH-CN), những năm gần đây, các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao và đã được chuyển giao, áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KH-CN, thời gian tới, Sở KH-CN sẽ tập trung phát triển cả về số lượng và chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học; đặc biệt tập trung vào những đề tài thiết thực có tính ứng dụng vào thực tiễn đời sống cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và địa phương.
Các đề tài nghiên cứu chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh như: phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp, chú trọng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của từng địa phương và nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển công nghiệp; nghiên cứu về y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; nuôi trồng thủy sản; biến đổi khí hậu… |
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc