Multimedia Đọc Báo in

Chung sức làm đường giao thông nông thôn ở Dliê Ya

07:52, 03/06/2020

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT) của xã Dliê Ya, huyện Krông Năng có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Là một xã vùng sâu vùng xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 47,5% dân số), xuất phát điểm thấp (đạt 5/19 tiêu chí), sau gần 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Dliê Ya đã đạt và cơ bản đạt 15/19 tiêu chí. Trong đó, tiêu chí đường GTNT đạt những kết quả đáng ghi nhận: toàn xã đã bê tông hóa, cứng hóa được 29,76/49,03 km đường trục thôn, buôn (đạt tỷ lệ gần 61%) và 4,03/63,71 km đường ngõ xóm (đạt 6,3%).

Ông Tạ Quang Phàn (thứ hai từ trái sang) hiến đất và đóng góp tiền của để làm đường giao thông  nông thôn.
Ông Tạ Quang Phàn (thứ hai từ trái sang) hiến đất và đóng góp tiền của để làm đường giao thông nông thôn.

Có được kết quả như trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ban, ngành, đoàn thể từ huyện, xã đến thôn, buôn cùng sự tham gia tích cực của nhân dân toàn xã. Đơn cử như ông Tạ Quang Phàn (thôn Bình An) đã tự nguyện hiến hơn 2.000 m² đất, trong đó có 600 m² đất mặt đường, đóng góp hàng chục triệu đồng và ngày công để làm đường. Không chỉ ông Phàn mà bà con trong thôn Bình An và những thôn, buôn khác trên địa bàn xã luôn ủng hộ, cùng với Nhà nước xây dựng nông thôn mới.

Đối với thôn Đồng Tâm, từ năm 2015 đã tiến hành rải đá cấp phối trục đường thôn với tổng kinh phí 565 triệu đồng (huy động nhân dân đóng góp 485 triệu đồng, ngân sách xã hỗ trợ 80 triệu đồng). Năm 2017 - 2019, thôn Đồng Tâm đã bê tông hóa đường thôn được 3.300 m với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 2 tỷ đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ bằng xi măng trị giá 350 triệu đồng.

Phong trào xây dựng nông thôn mới còn có sự đóng góp của những doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn xã. Công ty Cà phê 49 ngoài việc làm 1,5 km đường bê tông cho thôn Tân Tiến với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng còn đóng góp 225 triệu đồng để cùng với bà con, chính quyền làm các con đường bê tông của thôn. Tính đến nay thôn Tân Tiến đã bê tông hóa được 5.590 m đường giao thông.

Nhờ sự chung sức, đồng lòng từ chính quyền, người dân và doanh nghiệp, đến nay hệ thống đường GTNT trên địa bàn xã đã gần hoàn thiện, phần nào đáp ứng việc đi lại và lưu thông hàng hóa của nhân dân. Ông Y Lia Niê (buôn Yho) chia sẻ, trước đây tuyến đường liên xã Dliê Ya - Ea Tân qua buôn có nhiều ổ gà, ổ voi, đi lại rất khó khăn, nguy hiểm, dễ gây tai nạn, có khi đường lầy lội đến nỗi xe bị hư giữa đường phải bỏ đó đi bộ về nhờ người ra giúp. Thế nhưng từ khi con đường này với chiều dài 2,5 km được xây dựng, cuộc sống của bà con thay đổi rất nhiều. Về mặt kinh tế, thương lái vào tận nơi thu mua nông sản với giá cao, trái cây không bị dập hay hư hỏng do vận chuyển nên được giá hơn; về tinh thần, buổi tối người dân có thể đi dạo trên tuyến đường bằng phẳng, hay dễ dàng qua lại thăm hỏi nhau, thắt chặt tình đoàn kết láng giềng…

Những con đường do người dân xã Dliê Ya đóng góp đang được khẩn trương hoàn thành.
Những con đường do người dân xã Dliê Ya đóng góp đang được khẩn trương hoàn thành.

Ông Đặng Văn Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Dliê Ya cho hay, để có thể huy động được sự chung tay của người dân, doanh nghiệp trong việc xây dựng đường GTNT nói riêng và nông thôn mới nói chung, địa phương đã nghiêm túc thực hiện nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch các khoản đóng góp của người dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi". Chính quyền đóng vai trò hướng dẫn và hỗ trợ, các hoạt động do chính người dân ở thôn, buôn thực hiện.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.