Multimedia Đọc Báo in

Nông dân vùng biên hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững

08:28, 29/06/2020

Nhiều nông dân ở xã biên giới Ea Bung (huyện Ea Súp) đã liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Nghề trồng lúa đã có từ lâu ở xã Ea Bung, tuy nhiên các hộ dân ở đây đều sản xuất tự phát nên đầu ra không ổn định. Nhằm liên kết để sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, hữu cơ, tháng 8-2019 Hợp tác xã (HTX) lúa Ea Súp được thành lập với 15 thành viên là các nông hộ trên địa bàn. Qua khảo nghiệm giống lúa N25 cho ra hạt gạo dài, trắng, cơm dẻo, thích hợp với điều kiện canh tác, HTX lúa Ea Súp đã vận động các thành viên tổ chức sản xuất 50 ha sử dụng giống lúa mới với cam kết bao tiêu sản phẩm.

Ông Bùi Đức Chuyên (thành viên HTX lúa Ea Súp, xã Ea Bung) chăm sóc ruộng lúa canh tác theo hướng hữu cơ.
Ông Bùi Đức Chuyên (thành viên HTX lúa Ea Súp, xã Ea Bung) chăm sóc ruộng lúa canh tác theo hướng hữu cơ.

Để chất lượng hạt gạo an toàn, bên cạnh sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân vô cơ, trong quá trồng và chăm sóc, nếu phát hiện cây lúa bị sâu bệnh gây hại, HTX lúa Ea Súp hướng dẫn bà con nông dân dùng những loại thuốc sinh học để phòng trừ, hạn chế tối đa việc phun thuốc trừ sâu độc hại. Kết quả sau vụ gieo cấy đầu tiên, hầu hết ruộng lúa hữu cơ của HTX lúa Ea Súp liên kết với nông dân sản xuất cho năng suất đạt 8 - 9 tấn/ha và được HTX thu mua toàn bộ với mức giá bình quân 5.000 đồng/kg. Anh Phạm Văn Vượng, Chủ nhiệm HTX lúa Ea Súp cho biết: “Hiện tại, HTX đã gieo cấy được 3 vụ lúa giống N25. Vụ mùa vừa qua, đơn vị liên kết thêm một số nông hộ trên địa bàn sản xuất trên 60 ha lúa an toàn. Khi tham gia sản xuất, bà con nông dân được hỗ trợ giống, phân bón trả chậm, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu đầu ra với giá ổn định. Nhờ thế các nông hộ rất phấn khởi và an tâm sản xuất 3 vụ/năm (tăng 1 vụ so với trước khi vào HTX), năng suất trên cùng đơn vị diện tích cũng cao gấp 2 - 3 lần so với canh tác truyền thống”.

Mô hình trồng xoài của thành viên Hợp tác xã xoài Ea Súp (xã Ea Bung).
Mô hình trồng xoài của thành viên Hợp tác xã xoài Ea Súp (xã Ea Bung).

Tương tự, nhận thấy việc trồng cây ăn quả mang tính tự phát và quy mô nhỏ không đem lại hiệu quả kinh tế cao, 15 hộ trồng xoài chuyên canh ở thôn 10 (xã Ea Bung) đã liên kết sản xuất, thành lập HTX xoài Ea Súp với diện tích canh tác trên 25 ha. HTX xoài Ea Súp duy trì hoạt động theo phương thức mô hình hộ thành viên tự quản lý và hưởng lợi, HTX đứng ra tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, liên kết với các đại lý, cơ sở có uy tín cung ứng phân bón, cây giống. Tham gia vào HTX, hội viên yên tâm và tin tưởng về đầu ra của sản phẩm, từ đó mạnh dạn hơn trong việc đầu tư chăm sóc vườn cây.

 
“Chú trọng phát triển sản xuất bền vững dựa trên thế mạnh về nông nghiệp của địa phương là hướng đi bước đầu mang lại hiệu quả; việc liên kết nông hộ, nâng cao thu nhập cho người dân sẽ góp phần hoàn thành tiêu chí về thu nhập; cùng với nhiều giải pháp quyết liệt khác sẽ đưa xã về đích nông thôn mới vào cuối năm 2020”.
 
Ông Bùi Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Bung

Sau khi tham gia các lớp tập huấn do HTX xoài Ea Súp tổ chức, anh Phạm Ngọc Huy - thành viên của HTX đã mạnh dạn đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho 3 ha chuyên canh các giống xoài của gia đình. Nhờ được chăm bón đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cây phát triển xanh tốt, hạn chế sâu bệnh, tiết kiệm chi phí sản xuất từ 20 - 30% so với phương thức canh tác truyền thống. Anh Huy cho hay: “Trước đây, làm theo kiểu nhà nào biết nhà nấy thì hiệu quả kinh tế không cao, thường xuyên bị thương lái ép giá. Sau khi tham gia vào HTX, chúng tôi được tiếp cận kiến thức khoa học, kỹ thuật mới để ứng dụng hiệu quả vào sản xuất. Vụ xoài vừa qua, vườn cây của gia đình cho sản lượng 24 tấn trái (tăng hơn 15% so với trước khi vào HTX), với giá thu mua 10.000 - 15.000 đồng/kg tùy giống xoài, gia đình tôi nguồn có thu nhập ổn định”.

Ông Bùi Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Bung đánh giá, các mô hình liên kết giúp nông dân chuyển đổi từ hình thức sản xuất tự phát sang tổ chức sản xuất theo kế hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm, cung ứng được nguồn hàng số lượng lớn, chất lượng bảo đảm nên việc tiêu thụ dễ dàng hơn. Các HTX mới thành lập còn gặp nhiều khó khăn, song những mùa vụ sản xuất đầu tiên đã cho thấy tín hiệu tích cực, HTX đã làm tốt vai trò là “cầu nối” tiếp thu, hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao. Cùng với đó, việc tìm đầu ra cho nông sản đã giúp xã viên yên tâm sản xuất, có thu nhập ổn định và hạn chế được rủi ro.    

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.