Multimedia Đọc Báo in

Sửa máy pha cà phê - nghề mới nhiều tiềm năng

09:20, 28/06/2020

Khi mật độ sử dụng máy pha cà phê tại các quán cà phê và gia đình ngày càng nhiều thì nhu cầu tư vấn, sửa chữa máy trong quá trình sử dụng cũng tăng theo. Điều này cũng đã dần dần hình thành một nghề mới hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển, đó là nghề sửa chữa máy pha cà phê.

Theo đánh giá của các chuyên gia cà phê, mật độ quán cà phê sử dụng máy pha hiện nay đạt khoảng 80 - 90% tại TP. Buôn Ma Thuột; ở các huyện, thị xã thì tỷ lệ thấp hơn, nhưng nhìn chung đang có xu hướng ngày càng tăng. Những dòng máy đang phổ biến đến từ các hãng Breville, Lelit, Delonghi, Nuova, Expobar, Wega, Astoria...

Về mức đầu tư, hiện nay trên thị trường đang tồn tại bốn phân cấp phổ biến gồm mức giá thấp 15 - 20 triệu đồng/máy, mức giá phổ thông 20 - 50 triệu đồng/máy, mức giá tầm cao 50 - 100 triệu đồng/máy và dòng cao cấp 100 - 500 triệu đồng/máy. Dựa vào quy mô quán và khả năng tài chính mà người mua lựa chọn loại máy phù hợp là máy mới hoặc máy cũ với giá chỉ bằng 50 - 70% giá máy mới.

Thông thường máy pha cà phê có thời hạn bảo hành từ 12 - 36 tháng, tùy vào hãng sản xuất và gói bảo hành đi kèm. Thế nhưng độ bền của máy lại liên quan đến nhiều yếu tố, từ chất lượng cà phê đầu vào, cách sử dụng, vệ sinh máy… Bởi máy pha cà phê là sản phẩm tổng hợp từ nhiều loại hình gồm cơ, điện, điện tử và người hành nghề phải có sự hiểu biết nhất định mới có thể sử dụng và bảo đảm độ bền của máy.

Anh Lê Văn Châm kiểm tra vòi xả hơi của một máy pha cà phê thuộc dòng chuyên nghiệp.
Anh Lê Văn Châm kiểm tra vòi xả hơi của một máy pha cà phê thuộc dòng chuyên nghiệp.

Bén duyên với nghề khoảng hai năm nay, anh Lê Văn Châm, chủ một cơ sở sửa chữa máy pha cà phê trên đường Y Nuê, TP. Buôn Ma Thuột cho hay, anh đã trải qua nhiều vị trí khác nhau trong ngành cà phê từ trồng, chăm sóc đến kiểm soát chất lượng đầu vào, rang, pha chế, kinh doanh… Năm 2016, nhận thấy xu hướng sử dụng các sản phẩm chất lượng ngày càng cao, anh quyết định nghỉ việc và đầu tư máy rang, máy pha chế để mở quán kinh doanh cà phê chất lượng cao theo chuỗi từ kiểm soát vùng nguyên liệu đến thành phẩm cung cấp tận tay người tiêu dùng.

Tuy nhiên, quá trình sử dụng máy móc cho thấy, khi máy gặp sự cố cần kiểm tra, sửa chữa hay bảo hành, các chủ quán phải gửi đi TP. Hồ Chí Minh trong thời gian từ 7 - 10 ngày. Một quán cà phê phục vụ cà phê pha máy, nhưng nếu máy bị hỏng, phải sửa chữa thì buộc phải tạm ngưng phục vụ sản phẩm này trong thời gian dài, ảnh hưởng đến sự ổn định của quán. Do đó, cuối năm 2017 anh quyết định chuyển nhượng quán cà phê, gom tiền học nghề sửa chữa máy pha cà phê tại TP. Hồ Chí Minh. Nhờ có kiến thức nhất định về máy móc và kiểm soát, thẩm định chất lượng cà phê nên chỉ sau thời gian học và thực hành 6 tháng, anh đã có thể tự sửa chữa máy pha cà phê.

Theo anh Lê Văn Châm, để sử dụng máy bền, cho ra sản phẩm cà phê chất lượng đồng đều thì người sử dụng nên định kỳ 6 - 8 tháng bảo dưỡng máy một lần nhằm kịp thời sửa chữa những hỏng hóc nhỏ, tránh dẫn đến các hư hỏng lớn.

Theo kinh nghiệm của anh Lê Văn Châm, máy pha cà phê hay mắc những lỗi phổ biến như: phát ra tiếng động lớn khi hoạt động; đường dẫn cà phê bị tắc dẫn đến cà phê pha ra không ngon; máy đánh hơi không đủ nóng; dây bị đứt; gioăng cao su bị hỏng; áp suất nồi hơi không đủ; cà phê bị lạnh; không xay được cà phê… Do đó, cần sử dụng và bảo dưỡng máy pha cà phê đúng cách như sử dụng cà phê rang mộc, vệ sinh máy thường xuyên mỗi ngày bằng nước, trong đó chú trọng đến tay pha, vòi xả hơi, họng pha…. Vệ sinh với thuốc vệ sinh máy mỗi tuần hai lần đối với dòng máy nhỏ, công suất thấp và vài ngày một lần đối với các loại máy có công suất lớn để tẩy chất dầu của cà phê bám vào máy, van điện tử…

Thu nhập ổn định do nhu cầu sử dụng, thay đổi máy pha cà phê nhằm nâng cao chất lượng phục vụ tại các quán cà phê ngày càng tăng, do đó nếu đủ vốn, người hành nghề có thể vừa nhận sửa chữa máy pha cà phê, vừa thu mua máy cũ để bán lại cho người có nhu cầu nên nghề sửa chữa máy pha cà phê đang có nhiều tiềm năng để phát triển.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.