Xây dựng thương hiệu lúa gạo huyện Lắk
Huyện Lắk là một trong những địa phương có diện tích trồng lúa nước lớn của tỉnh với tổng diện tích gieo trồng hằng năm vào khoảng 13.400 ha. Thời gian qua, nhiều nông dân đã thay đổi phương thức sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ để gia tăng giá trị, hướng đến xây dựng thương hiệu lúa gạo huyện Lắk trong tương lai không xa…
Từ năm 2010, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Đồng Nhất (xã Buôn Triết) đã bắt đầu triển khai trồng lúa hữu cơ. Đến tháng 8-2017, HTX chính thức đưa ra thị trường thương hiệu Gạo sạch Đồng Nhất và được Công ty Cổ phần giám định cà phê và hàng hóa xuất nhập khẩu (CAFE CONTROL) cấp chứng nhận VietGAP. Đây là loại gạo được sản xuất từ giống lúa OM 5451 với các đặc điểm hạt dài, trắng trong; hàm lượng amylose khoảng 15%; khi nấu cho cơm ngon, có mùi thơm nhẹ… nên đã chinh phục được người tiêu dùng ở nhiều nơi như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Ông Đoàn Văn Ương, Giám đốc HTX cho biết, nhu cầu của thị trường về các loại gạo hữu cơ, gạo tím thảo dược là rất cao, HTX không đủ nguồn hàng để cung cấp. Chính vì thế, HTX tiếp tục vận động người dân, thành viên phát triển thêm diện tích để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
HTX Nông nghiệp Thành Tín (xã Đắk Nuê) áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. |
Trên địa bàn xã Đắk Nuê, nhiều nông hộ cũng chủ động thay đổi phương thức canh tác truyền thống sang trồng lúa theo hướng hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vụ đông xuân 2019 - 2020, gia đình ông Nguyễn Đăng Tư (thôn Yên Thành 2) đã mạnh dạn đưa giống lúa chất lượng cao Đài thơm 8, ST 24 vào trồng trên diện tích 1 ha.
Ông Tư chia sẻ: Nhờ tận dụng nguồn phân chuồng chăn nuôi, men vi sinh tự ủ để bón nên tạo được độ màu mỡ, tơi xốp cho đất cũng như tiêu diệt được mầm bệnh, mầm cỏ trong đất... Năng suất lúa đạt hơn 7 tạ/sào và được HTX Nông nghiệp Thành Tín thu mua với giá 7.500 đồng/kg.
Xác định phương thức canh tác sạch là hướng đi bền vững, các thành viên HTX Nông nghiệp Thành Tín (xã Đắk Nuê) đều cam kết sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP. HTX hiện có hơn 50 thành viên với tổng diện tích trồng lúa 50 ha. Trong đó có khoảng 12 ha đất được áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ với các giống như Đài thơm 8, ST 24, ST 25, Tròn Nhật...
Theo ông Trần Văn Mười, Giám đốc HTX, trong quá trình sản xuất, do không dùng phân hóa học mà tận dụng các loại phân chuồng có sẵn, phân bón công nghệ sinh học nên giúp cải tạo đất tốt; cây sinh trưởng mạnh; cứng cáp trong thời kỳ trổ bông, không bị đổ ngã, ít sâu bệnh; tình trạng ô nhiễm môi trường cũng giảm đi rõ rệt...
Nông dân thôn Liên Kết 2, xã Buôn Tría kiểm tra, chăm sóc ruộng lúa. |
Ông Nguyễn Viết Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lắk cho biết: Thời gian qua huyện đã triển khai nhiều biện pháp, mô hình sản xuất lúa như: cánh đồng lớn quy mô 200 ha ở xã Buôn Tría và Buôn Triết do HTX Nông nghiệp Thái Hải thực hiện; sản xuất gạo sử dụng phân bón hữu cơ do HTX Nông nghiệp Thành Tín thực hiện; hỗ trợ phân bón, thuốc sinh học, cung cấp giống lúa chất lượng cao và mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cách ủ phân vi sinh cho nông dân; vận động người dân thay đổi phương thức canh tác lúa truyền thống sang trồng lúa theo hướng hữu cơ nhằm tạo sản phẩm chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao...
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, tập trung áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… tiến tới xây dựng thương hiệu lúa gạo huyện Lắk vào năm 2025.
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc