Cải thiện thu nhập từ mô hình kinh tế tập thể ở Krông Pắc
Các mô hình hợp tác phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Krông Pắc được thành lập đã giúp hội viên có thêm điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống.
Năm 2018, Hội Nông dân (HND) xã Ea Uy đứng ra vận động bà con nông dân liên kết sản xuất, thành lập Tổ hợp tác (THT) trồng và khai thác nấm xã Ea Uy với 6 thành viên; được hỗ trợ vốn 130 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân trong 36 tháng. Hiện nay, THT đang sở hữu 6 nhà trồng nấm rơm dạng trụ, khoảng gần 300 trụ với diện tích trên 200 m². Tham gia THT, thành viên có thêm điều kiện phát triển kinh tế.
Đơn cử như hộ chị Phạm Thị Thùy (thôn Tân Lợi 1, xã Ea Uy), trước đây thuộc diện hộ nghèo của xã. Vợ chồng chị tìm đến học hỏi các mô hình làm nấm ở huyện Krông Na và các tỉnh miền Tây, từ đó thay đổi cách làm nấm truyền thống, vừa tiết kiệm diện tích, chi phí đầu tư vừa nâng cao năng suất, chất lượng của nấm nên hiệu quả kinh tế cao hơn. Khi tham gia vào THT, chị Thùy được hỗ trợ vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để mở rộng quy mô sản xuất. Với kinh nghiệm làm nấm trước đó, vợ chồng chị còn hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên khác trong tổ. Từ khi tham gia THT, cuộc sống gia đình chị Thùy đã ổn định hơn, năm 2019 chị tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo. Vừa qua, chị đã mua được máy cuộn rơm trị giá 300 triệu đồng, vừa phục vụ công việc của gia đình, vừa làm dịch vụ cuốn rơm trên cánh đồng cho những hộ có nhu cầu.
Chị Phạm Thị Thùy chăm sóc nấm. |
Ông Trần Văn Thường, cán bộ Hội Nông dân huyện Krông Pắc cho biết, trên địa bàn huyện còn có THT sầu riêng Phước Lợi (thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh) với 15 thành viên cũng là một mô hình liên kết tập thể nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và mang lại kinh tế cao cho nông dân. Tổ hiện có diện tích chuyên canh gần 150.000 m², trồng chủ yếu 2 giống sầu riêng chất lượng cao Ri6 và Dona, cho sản lượng mỗi năm gần 600 tấn quả. Hội Nông dân huyện đã hỗ trợ kỹ thuật, giúp các thành viên trong THT nâng cao giá trị sản phẩm bằng cách hướng dẫn thực hiện chăm sóc vườn cây theo quy trình VietGAP thông qua các biện pháp áp dụng tưới nước tiết kiệm, phòng trừ sâu bệnh bằng vi sinh, sử dụng phân hữu cơ sinh học, ghi chép nhật ký sản xuất... Với chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hiện sản phẩm của THT sầu riêng Phước Lợi được liên kết đầu ra ổn định tại các siêu thị với mức giá cao hơn so với sản phẩm canh tác thông thường từ 10 - 20%. Đây cũng là sản phẩm được giới thiệu trưng bày tại hội chợ thương mại do UBND huyện tổ chức năm 2019, tại Hội chợ nông sản tỉnh Quảng Nam năm 2018 thu hút nhiều khách hàng quan tâm và ưa thích.
Hiện nay, huyện Krông Pắc có 21 mô hình kinh tế tập thể do Hội Nông dân huyện hướng dẫn, hỗ trợ thành lập, trong đó 11 mô hình được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tổng số tiền 3.640 triệu đồng. |
Để đạt kết quả trên, Hội Nông dân huyện đã tích cực tham mưu hỗ trợ cho hội viên nông dân vay vốn. Trong 10 năm, từ năm 2011 đến nay, đã có 17 dự án, 151 lượt hộ được vay vốn với tổng số tiền 5.340 triệu đồng từ nguồn ngân sách Trung ương Hội Nông dân, Tỉnh Hội ủy thác, ngân sách huyện bổ sung và huy động từ các nguồn vận động hội viên và nông dân. Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật; phối hợp các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức 231 buổi hội thảo, hội thảo đầu bờ, đầu chuồng; 1.517 buổi tư vấn, tập huấn khoa học – kỹ thuật buổi hội thảo, tư vấn chuyển giao khoa học, công nghệ cho cán bộ, hội viên, nông dân nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Thành viên Tổ hợp tác sầu riêng Phước Lợi chia sẻ cách chăm sóc trái sầu riêng. |
Có thể nói, từ sự nỗ lực của người dân và hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp, hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Krông Pắc đã có hiệu quả rõ rệt; đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của huyện, nâng cao thu nhập cho tổ viên, góp phần vào xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc