Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Tạo thêm nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Sự hỗ trợ cần đi vào trọng tâm
Những nỗ lực nhằm thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp (DN), nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn tỉnh thông qua các chính sách hỗ trợ DN trong thời gian qua đã đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn chưa được như kỳ vọng cũng như đáp ứng được nhu cầu mà DN thực sự “cần”.
Giải quyết bài toán về vốn
Thực tế cho thấy, vốn được xem là điều kiện và nhu cầu thiết yếu của hầu hết các DNNVV cho dù là mới thành lập hay đã hoạt động lâu năm, nhất là trong điều kiện DNNVV còn khó khăn về vốn và hạn chế trong vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Bà Hoàng Thị Thúy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long Sang Trọng (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, việc vay vốn từ các ngân hàng không được giải quyết kịp thời cũng khiến DN gặp không ít khó khăn, trong bối cảnh các điều kiện về nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ và tác động của dịch bệnh… đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của đơn vị. Bên cạnh đó, nhiều DNNVV không đáp ứng đủ các điều kiện nên không thể tiếp cận tín dụng ngân hàng. Đơn cử, Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương (huyện Krông Năng) đã dồn hết vốn để mua nguyên liệu là mắc ca nhưng lại không thể dùng để thế chấp hàng hóa để vay ngân hàng như đối với nguyên liệu là cà phê.
Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Văn Foods Nguyễn Văn Sơn (bên trái) giới thiệu sản phẩm Trà Mãng Cầu ở Hội chợ sản phẩm lên men quốc tế năm 2019 tại thành phố Jeonju, tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Trước tình hình trên, tỉnh đã, đang và sắp triển khai nhiều đề án, dự án nhằm tăng cường hỗ trợ cho DNNVV, tạo động lực cho các DN phát triển. Mới đây, UBND tỉnh vừa phê duyệt Đề án thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tỉnh và đang trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, phê duyệt. Theo Giám đốc Sở Tài chính Bùi Văn Yên, đề án này nhằm giúp DNNVV tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn tín dụng thương mại để tăng cường nhanh năng lực tài chính, phát triển sản xuất kinh doanh, tiến tới từng bước giải bài toán về vốn. Đồng thời, góp phần quan trọng định hướng và điều tiết các hoạt động của DNNVV, hướng hoạt động vào những ngành nghề và khu vực cần phát triển theo định hướng của Nhà nước. Bên cạnh đó, Đề án khuyến khích, thúc đẩy các tầng lớp dân cư đầu tư trực tiếp, tạo lập DN mới hoặc mở rộng quy mô hoạt động của các DNNVV, góp phần tích cực vào phát triển nền kinh tế của tỉnh.
“3 trọng tâm”
Ngoài giải quyết bài toán về vốn, những vấn đề như thông tin thị trường, hỗ trợ thuế và tiếp cận các yếu tố sản xuất được xem là cần thiết nhất với DNNVV. Việc liên kết/tham gia chuỗi giá trị, hình thức hỗ trợ về kết nối với các đối tác, chuỗi, liên kết và hỗ trợ tiếp cận các yếu tố sản xuất kinh doanh như đất đai, công nghệ được DN quan tâm nhất. Chẳng hạn như Công ty TNHH Nguyễn Văn Foods, tuy thời gian qua được tỉnh hỗ trợ về công tác kết nối thị trường nhưng chưa thực sự hiệu quả và chưa đáp ứng được nhu cầu của DN. Còn Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương lại vướng mắc về thực hiện liên kết chuỗi và áp dụng công nghệ vào sản xuất…
Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Văn Foods Nguyễn Văn Sơn kiểm tra sản phẩm Trà Mãng Cầu. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Theo Sở KH-ĐT, kết quả khảo sát từ DN cho thấy, trong hoạt động đổi mới sáng tạo, các hỗ trợ mà DN có nhu cầu nhiều gồm hỗ trợ tài chính, quảng bá sản phẩm/dịch vụ và thông tin thị trường. Hầu hết các DN đều mong muốn nhận được kênh thông tin kết nối DN với các nhà nhập khẩu; cải thiện cơ sở hạ tầng, logistics ở địa phương; hỗ trợ phát triển thị trường, miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất và mặt nước… Như vậy, trong thời gian tới các chính sách hỗ trợ cộng đồng DN tại tỉnh, đặc biệt là DNNVV cần huy động các nguồn lực đầu tư hiệu quả để thiết lập môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng cùng với đó là những cải cách mạnh mẽ về chính sách nhằm tạo động lực cho khu vực DN phát triển.
Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Huỳnh Văn Tiến cho biết, mặc dù tỉnh đã có nhiều biện pháp hỗ trợ DN thông qua các hoạt động như đào tạo, phổ biến chính sách chủ trương mới, kết nối thị trường... nhưng thời gian qua tỷ lệ DN tham gia rất ít, nhiều DN cho hay, họ không biết hoặc không được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của địa phương. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các cấp, các ngành phải chủ động cung cấp thường xuyên, kịp thời các thông tin liên quan cho DN. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tổ chức tốt hội nghị đối thoại DN, nghiên cứu đổi mới, nâng cao hiệu quả mô hình cà phê doanh nhân – DN. Các Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ, các hội ngành, nghề phát huy hơn nữa vai trò cầu nối giữa DN và chính quyền để các thông tin về chỉ đạo, điều hành của tỉnh đến gần hơn với DN, đồng thời tiếp nhận kịp thời các khó khăn, vướng mắc của DN, đặc biệt là triển khai mô hình đối thoại DN tại cấp huyện.
Để triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ DNNVV quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV và văn bản liên quan, đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV trên địa bàn tỉnh, vừa qua UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ và phát triển DNNVV trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên thực hiện ba nhóm giải pháp trọng tâm là cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao năng lực cho DN; phát triển số lượng DN, hệ sinh thái khởi nghiệp. Với tinh thần lấy DN làm trung tâm, các chính sách hỗ trợ này được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường hiệu quả và minh bạch hóa hoạt động quản lý nhà nước; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích và thu hút đầu tư; tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước.
Mục tiêu của tỉnh là phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 15.000 DN, tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP lên 60% và đến năm 2030 có khoảng 20.000 DN, tăng tỷ trọng đóng góp tương ứng khoảng 65% - 70%. |
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc