Multimedia Đọc Báo in

Bánh trung thu "made in Đắk Lắk"

08:01, 23/09/2020

Bên cạnh những thương hiệu bánh trung thu lớn trên thị trường như Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị… thì Đắk Lắk cũng không thiếu những loại bánh tên tuổi như: Bánh trung thu Hà Nội, Thành Phát, Bảo Hương... Những sản phẩm "made in  Đắk Lắk" này đã trở nên quen thuộc với nhiều người.

So với các thương hiệu lớn, bánh trung thu địa phương được bày bán muộn hơn và kết thúc mùa bánh cũng sớm hơn. Thông thường, phải cuối tháng bảy, sang đầu tháng tám âm lịch thì các cơ sở bánh ở Đắk Lắk mới bắt tay vào sản xuất. Và càng gần rằm tháng tám thì số lượng bánh bán ra thị trường ngày càng nhiều.

Vẫn giữ nét đặc trưng của một chiếc bánh mùa trăng rằm với dáng tròn, in hình hoa nhưng bánh Đắk Lắk có sự biến tấu trong việc gia giảm gia vị, nhân bánh... phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người dân địa phương. Bánh địa phương sản xuất với đa dạng về chủng loại, hương vị, cải tiến về mẫu mã, màu sắc, trở nên bắt mắt người mua. Ngoài bánh nướng truyền thống thì còn có thêm bánh dẻo, bánh pía, với các loại nhân như đậu xanh, sầu riêng, hạt sen, sữa dừa, gà quay, dăm bông bát bửu... Có cả bánh dùng cho người ăn chay và bánh nhỏ thiếu nhi với các hình thù ngộ nghĩnh như cá chép, heo con…

Khách chọn mua bánh trung thu tại cửa hàng của Cơ sở chế biến thực phẩm, sản xuất bánh mì Thành Phát (TP. Buôn Ma Thuột).
Khách chọn mua bánh trung thu tại cửa hàng của Cơ sở chế biến thực phẩm, sản xuất bánh mì Thành Phát (TP. Buôn Ma Thuột).

Theo nhiều người, sở dĩ bánh trung thu của địa phương được ưa chuộng, ngoài màu sắc bắt mắt thì còn bảo đảm chất lượng, phù hợp với khẩu vị người dùng. Trọng lượng bánh thường to hơn, thơm ngon và có độ ngọt vừa phải. Hơn hết, từ nhiều năm nay, loại bánh này “hút” người tiêu dùng địa phương nhờ tính an toàn, chất lượng được bảo đảm từ nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng đến độ tươi, mới. Bởi vậy bánh trung thu “made in Đắk Lắk” làm ra bán chạy và được nhiều người ưa thích.

Hiện giá của một chiếc bánh trung thu Đắk Lắk thấp hơn khoảng 10% so với bánh của các thương hiệu lớn trên thị trường, phù hợp với túi tiền của người dân. Cụ thể, ở dòng bánh dẻo có giá 42.000 đồng/chiếc, bánh nướng truyền thống có giá từ 50.000 đồng đến 410.000 đồng/cái – tùy loại nhân và trọng lượng.

Cơ sở sản xuất bánh mì Hà Nội trên đường Lê Hồng Phong là một trong những cơ cở sản xuất bánh có uy tín nhiều năm tại TP. Buôn Ma Thuột. Theo ông Trương Bá Lộc, chủ cơ sở, làm bánh dịp này chủ yếu phục vụ cho trẻ em nên vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là yếu tố khiến ông để tâm nhiều nhất. Hơn 20 năm trong nghề làm bánh, ông Lộc cho hay, bánh trung thu đạt chuẩn thì sẽ banh dầu, tươm trên vỏ bánh, vàng ruộm đẹp mắt; phần vỏ mềm, không bị khô, có vị ngọt thanh và độ đàn hồi nhất định; nhân bánh sên dẻo, không ướt dính, không ngọt ngấy. Bánh do cơ sở tự sản xuất tự kinh doanh nên làm ra đến đâu tiêu thụ tại các địa phương trong tỉnh hết đến đó. Sau đó lại cứ ước chừng thị trường mà sản xuất tiếp nên độ tươi, mới được bảo đảm. Đến đầu tháng tám  âm lịch, cơ sở của ông mới bắt đầu sản xuất bánh trung thu. Mùa trung thu năm nay, ông dự kiến sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 4 - 5 tấn bánh. Vào mùa cao điểm, lò bánh lúc nào cũng có trên 10 thợ giỏi tay nghề, làm lâu năm, sản xuất bánh liên tục.

Khách hàng chọn mua bánh trung thu Hà Nội (trên đường Lê Hồng Phong).
Khách hàng chọn mua bánh trung thu Hà Nội (trên đường Lê Hồng Phong).

Tại cơ sở chế biến thực phẩm, sản xuất bánh mì Thành Phát (số 80 Trần Nhật Duật, TP. Buôn Ma Thuột) thì năm nào cũng đúng ngày 26-7 âm lịch sẽ vào mùa làm bánh trung thu. Bánh do cơ sở sản xuất ra chỉ có hạn sử dụng trong vòng 20 ngày do không có chất bảo quản. Theo chị Vũ Thị Gấm, chủ cơ sở, thì sản xuất tầm này là vừa kịp để khách mua về cúng đầu tháng, thưởng thức và nhâm nhi dần. Tầm ngày 8-8 âm lịch thì sức mua mới bắt đầu rộ lên. Mùa trung thu năm nay, cơ sở dự kiến sẽ sản xuất 15.000 chiếc bánh trung thu các loại, số lượng vẫn bằng như mọi năm. Hiện cơ sở của chị đã có đơn đặt hàng của khách hàng truyền thống là các doanh nghiệp, trường học trên địa bàn. Chị Gấm chia sẻ, làm bánh trung thu truyền thống đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng từ khâu chọn nguyên liệu đến tạo hình và nướng bánh. Tất cả phải thật cẩn thận, chỉ cần nhiệt độ "già" quá một chút là hương vị sẽ bị biến đổi. Bánh ngon nhất là khi được mang ra dùng cách năm ngày sau khi sản xuất. Bởi khi đó, lớp dầu trong vỏ bánh thấm đều, đẹp mắt, mùi rượu mai quế lộ lan tỏa, nhân bánh hòa quyện tạo nên một vị đậm nhất định của chiếc bánh nướng truyền thống. Trước đó, cách rằm trung thu khoảng ba tháng là chị Gấm đã cất công chuẩn bị chu đáo các nguyên vật liệu cho mùa sản xuất bánh. Chị chọn những quả trứng ngon nhất, chất lượng ở các vùng chăn nuôi có tiếng của địa phương để làm trứng muối, chỉn chu ngâm rượu Mai quế lộ, tìm mua các loại đậu đen, đậu xanh… hạt bóng mẩy, căng tròn hạt để sên lên làm nhân bánh.

Có lẽ nhiều người tiêu dùng Đắk Lắk vẫn quen dùng và ưa chuộng bánh làm ra ở địa phương, bởi mùi vị rất khác này. Rằm Trung thu từ nhiều năm nay, không ít người dân vẫn có thói quen sử dụng bánh trung thu được làm ra ở địa phương để vừa ăn, vừa làm quà gửi biếu bạn bè, người thân. Chị Đỗ Phượng Linh (một người tiêu dùng phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, dù mỗi năm trên thị trường xuất hiện thêm nhiều dòng bánh mới của các thương hiệu nổi tiếng, song chị vẫn có lựa chọn chính là bánh trung thu của Đắk Lắk. Việc chọn những thương hiệu bánh của địa phương khiến chị yên tâm về độ tươi mới, không chất bảo quản. Những loại bánh này thơm mềm ở lớp vỏ bánh bên ngoài, đậm vị ở lớp nhân bên trong, không quá nhạt cũng không quá ngọt, đúng với sở thích của chị về một chiếc bánh nướng truyền thống.

Có thể nói, tuy mẫu mã bao bì chưa thật sự sang trọng, đẳng cấp như các thương hiệu lớn, nhưng bằng cách chọn nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, chú trọng đến sức khỏe người dùng, bánh trung thu do các cơ sở ở địa phương làm ra đang "hút" người mua. Hơn thế nữa, với nhiều người, việc đón mùa Trung thu bằng hương vị bánh truyền thống ngay ở địa phương sản xuất còn khiến cái Tết trăng rằm trở nên thân tình hơn.

Bánh trung thu "made in Đắk Lắk" không mất chi phí vận chuyển, quảng cáo, không phải qua khâu trung gian… nên được coi là dòng bánh chất lượng, giá bình dân cho người dùng. Đặc biệt, thời hạn sử dụng của bánh khá ngắn, chỉ từ 15 đến 20 ngày do cơ sở không sử dụng chất bảo quản, đáp ứng yêu cầu của nhiều người tiêu dùng.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.