Tín hiệu vui từ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở Đắk Nuê
Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xã Đắk Nuê (huyện Lắk) đã tích cực chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả, thay đổi phương thức chăn nuôi, phát huy thế mạnh của địa phương.
Sau nhiều năm trồng lúa, khoai không hiệu quả, đầu năm 2018, gia đình ông Trần Khắc Châu (thôn Yên Thành 1) có dịp tham quan một số mô hình nuôi tằm tại tỉnh Lâm Đồng. Nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình ông đã cải tạo 1 ha đất để chuyển đổi sang trồng dâu và mua 1 hộp giống tằm về nuôi. Do chưa nắm được kỹ thuật nên hai lứa tằm đầu đều bị thất bại.
Nhờ tham gia các lớp tập huấn do Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tổ chức, vừa làm ông vừa rút kinh nghiệm, đến lứa tằm thứ ba, ông đã nuôi thành công, đạt 50 kg kén. Gia đình bán được với giá trung bình 100 nghìn đồng/kg (có thời điểm giá lên 160 nghìn đồng/kg), thu lãi hơn 4 triệu đồng/lứa.
Theo ông Châu, trồng dâu nuôi tằm không tốn nhiều công lao động mà lợi nhuận lại cao, chỉ cần chủ động nguồn thức ăn, nắm vững kỹ thuật chăm sóc. Tằm nuôi trong khoảng 15 ngày sẽ cho thu hoạch kén. Sau khi thu hoạch xong thì dừng nuôi trong năm ngày để dọn dẹp, vệ sinh kỹ khu vực nuôi, giúp lứa tằm tiếp theo phát triển tốt.
Cán bộ Hội Nông dân xã Đắk Nuê thăm mô hình trồng sâm bố chính của người dân trên địa bàn xã. |
Bên cạnh phát triển trồng dâu nuôi tằm, nhiều người dân Đắk Nuê còn chuyển đổi sang trồng rau xanh, chủ yếu là đậu cô ve, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gia đình chị Phạm Thị Hoa (buôn Dhăm 2) có 1.000 m2 đất trồng lúa kém hiệu quả do khu vực này thường bị ngập úng. Năm 2019, chị đã cải tạo lại đất và đổ đất đắp cao lên để trồng rau xanh. Gia đình chị chủ yếu trồng đậu cô ve, chỉ trong 45 ngày chăm sóc đã bắt đầu thu hoạch, thời gian hái quả trong vòng một tháng, thời điểm rộ chị thu được 50 – 60 kg/ngày, giá bán 5.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị lãi hơn 10 triệu đồng. Chị Hoa cho biết, thông thường sau mỗi vụ trồng đậu cô ve, gia đình chị lại chuyển đổi trồng dưa leo, cà tím, mướp đắng… Các loại rau thu hái xong được thương lái đến tận nhà thu mua nên gia đình chị cũng có thu nhập khá từ loại cây này. Chị Hoa dự định sẽ trồng thêm 3 sào đậu cô ve, mở rộng diện tích sản xuất rau xanh của gia đình.
Được biết, đến nay xã Đắk Nuê đã chuyển đổi được 4 ha đất trồng dâu nuôi tằm, 3 ha đất trồng rau xanh. Ngoài ra, nhiều người dân còn mạnh dạn đưa giống cây dược liệu về trồng tại địa phương, chủ yếu là sâm bố chính và cây hoài sơn (khoảng 5 ha). Một số hộ đã có thu hoạch, với lợi nhuận đạt 50 triệu đồng/sào. Xã cũng chuyển đổi 20 ha đất canh tác lúa phương thức truyền thống sang trồng lúa hữu cơ, đưa nhiều loại giống lúa có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, đạt năng suất 7 – 8 tấn lúa khô/ha, trung bình cho lãi hơn 30 triệu đồng/ha. Việc chuyển đổi được Hợp tác xã Nông nghiệp Thành Tín hỗ trợ kỹ thuật và thu mua sản phẩm cho người dân.
Gia đình chị Phạm Thị Hoa (buôn Dhăm 2, xã Đắk Nuê) đang thu hoạch đậu cô ve. |
Không chỉ chủ động chuyển đổi cây trồng, xã còn chú trọng nâng cao năng suất, giá trị của mô hình nuôi vịt siêu trứng. Năm 2019, nhiều người dân đã kết hợp hình thành Tổ hợp tác nuôi vịt siêu trứng, với 12 thành viên, số lượng đàn duy trì khoảng 24.000 con. Trứng vịt đạt tiêu chuẩn VietGAP, được bán trên địa bàn huyện và các siêu thị ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Bên cạnh đó, xã cũng vận động người dân nuôi bò, dê nhốt chuồng nhằm thay đổi phương thức chăn nuôi, tăng năng suất, sản lượng và hạn chế được dịch bệnh, giảm công lao động. Đến nay, xã đã có 1.398 con bò và 383 con dê, trong đó tỷ lệ nuôi nhốt chuồng đạt 30%.
Ông Nguyễn Đình Giang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Nuê cho biết, ngoài việc mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, Hội đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội số tiền hơn 10 tỷ đồng; Hội Nông dân huyện hỗ trợ 100 triệu đồng cho 10 hộ nghèo vay; các chi hội cũng chủ động xây dựng nguồn quỹ để giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đời sống người dân ngày được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần từng năm. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 37%, giảm 7% so với năm 2019.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc