Công nghiệp Đắk Lắk kỳ vọng những đột phá mới
Nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngành công nghiệp của tỉnh được kỳ vọng sẽ có những đột phá mạnh mẽ, trọng tâm là kích hoạt dư địa phát triển trong công nghiệp chế biến sâu và năng lượng tái tạo.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ do giá nông sản không ổn định, giá xăng dầu, điện tăng đã làm tăng chi phí nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn có chuyển biến tích cực, một số dự án mới đi vào hoạt động bước đầu cho thấy hiệu quả. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp 5 năm qua đạt 77.508 tỷ đồng, tương đương 102% kế hoạch đề ra, trong đó, một số nhóm ngành có mức tăng trưởng cao, tỷ trọng lớn và thị trường tiêu thụ tốt như: cà phê hòa tan, cà phê bột, cơ khí nông nghiệp, máy bơm nước…
Về hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, có 56 dự án đầu tư tại Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột), với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 4.100 tỷ đồng, trong đó có 37 dự án đang hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 1.550 lao động địa phương. Toàn tỉnh hiện có 14 cụm công nghiệp, với tổng diện tích hơn 693 ha đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, trong đó có 8 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút 155 dự án đầu tư, tổng số vốn đăng ký 6.094 tỷ đồng, đạt tỷ lệ lấp đầy 67%. Tổng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho 8 cụm công nghiệp đang hoạt động ước tính hơn 1.266 tỷ đồng.
Hệ thống cột gió của Trang trại phong điện Tây Nguyên tại huyện Ea H'leo. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, sự liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất trong cùng một lĩnh vực chưa được quan tâm; sản phẩm công nghiệp vẫn chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị gia tăng chưa cao; cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ngành công thương đã xác định những đột phá để lĩnh vực kinh tế này phát triển mạnh hơn trong giai đoạn 2021 – 2025. Theo kế hoạch đặt ra, chỉ số sản xuất công nghiệp 5 năm tới dự kiến tăng trưởng bình quân từ 18 - 19%/năm. Theo đó, phấn đấu thu hút đầu tư toàn ngành đạt hơn 120.000 tỷ đồng; trong đó, các dự án năng lượng sạch 105.000 tỷ đồng, dự án công nghiệp 10.000 tỷ đồng và dự án thương mại 5.000 tỷ đồng. Theo Giám đốc Sở Công thương Lưu Văn Khôi, một trong những nhiệm vụ lớn nhất của ngành công thương trong thời gian tới là đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến sâu, chuyển dần các ngành chế biến thô, sử dụng nhiều lao động sang các ngành công nghiệp tinh chế, tạo ra sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao, tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp. Cụ thể, Sở Công thương sẽ cùng với các sở, ngành xây dựng đề án phát triển chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ gắn với các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đề án sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra những giải pháp mang tính khả thi cao, gắn với chính sách về đất đai, tín dụng, công nghệ để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư những dự án tầm cỡ về chế biến sâu.
Một cơ sở mộc công nghiệp tại Cụm công nghiệp Tân An 1 (TP. Buôn Ma Thuột). |
Nhiệm vụ trọng tâm khác trong chiến lược phát triển công nghiệp của tỉnh được xác định là đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, đưa Đắk Lắk trở thành trung tâm năng lượng của cả nước. Hiện đã có 20 dự án điện mặt trời, công suất 10.448 MWp, 35 dự án điện gió, công suất 3.441,8 MW được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. Bên cạnh đó, hai dự án điện sinh khối, tổng công suất 90 MW cũng đang được xem xét đề nghị đưa vào quy hoạch. Về khả năng giải tỏa công suất của các dự án năng lượng, hệ thống truyền tải hiện hữu và những công trình xây mới sẽ đáp ứng nhu cầu đấu nối, cung cấp sản lượng điện rất lớn cho hệ thống điện quốc gia.
Bên cạnh hai lĩnh vực được kỳ vọng tạo đột phá lớn là chế biến sâu và năng lượng tái tạo, công nghiệp của tỉnh cũng sẽ tập trung thực hiện chương trình phát triển cơ khí, lựa chọn thu hút đầu tư một số dự án cơ khí chính xác, hàm lượng công nghệ cao; ưu tiên phát triển ngành dệt may, công nghiệp da giày và một số ngành công nghệ cao khác. Đồng thời, xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ và nâng cấp cụm ngành, chuỗi sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.
Để phát triển công nghiệp trong thời gian tới, Đắk Lắk đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và quan tâm cho địa phương đầu tư xây dựng các trung tâm logistic, cảng cạn nằm trên trục đường Hồ Chí Minh, được hưởng chính sách như các dự án xã hội hóa... |
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc