Mô hình xe đưa đón: An toàn, thuận tiện cho người lao động
Bố trí xe đưa đón phục vụ người lao động là việc làm ý nghĩa, thiết thực được các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn triển khai thực hiện nhiều năm qua. Con đường đến chỗ làm của người lao động vì thế an toàn, thuận tiện hơn rất nhiều, động lực trong lao động cũng được nhân lên thấy rõ…
Nhà chị Nguyễn Thị Phương (ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) cách địa điểm làm việc của Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á (Khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) 12 km. Dẫu tuyến đường đến nơi làm việc thường có lưu lượng xe cộ qua lại đông đúc, bản thân lại đang mang thai, nhưng việc di chuyển đến nơi làm việc không phải là vấn đề đáng lo ngại với chị. Hằng ngày, chị chịu khó đi bộ một đoạn, đứng đợi ở điểm đón, đúng giờ theo lịch trình, xe đưa đón của công ty chở chị đến tận nơi làm việc. Chị cho hay, khi biết mình mang thai đứa con đầu lòng, lại đúng thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19 thì việc di chuyển bằng xe của công ty càng khiến chị yên tâm hơn so với việc phải chọn các loại phương tiện khác để đến chỗ làm. Xe sạch sẽ, thoáng mát, được khử khuẩn thường xuyên. Mỗi ngày lên, xuống xe, người lao động ra vào công ty đều được kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt, sát trùng kỹ lưỡng và chuyên chở bảo đảm khoảng cách theo quy định. Thêm vào đó, vợ chồng chị làm cùng công ty, nhờ có xe đưa đón nên cũng giảm bớt được khoản chi phí xăng xe, lại không lo trễ giờ, giúp chị yên tâm làm việc.
Người lao động của Công ty TNHH CIC Highland sử dụng xe đưa đón để trở về nhà. |
Tương tự, hơn hai năm nay, cứ sáng thứ hai mỗi tuần, đúng 6 giờ, anh Hoàng Nhất Trí (nhân viên Công ty TNHH CIC Highland) có mặt tại trụ sở công ty (số 48 Lý Tự Trọng, TP. Buôn Ma Thuột), là điểm khởi đầu để bắt đầu hành trình đưa đón người lao động đến nơi làm việc là nông trường ở tận xã Ia R’vê, huyện Ea Súp. Chiều thứ sáu cuối tuần, anh cùng đồng nghiệp lại lên xe đưa đón trở về nhà. Với hầu hết lao động của Công ty TNHH CIC Highland, nhà ở đều cách nơi làm việc ít nhất cũng khoảng 120 km, nếu không có xe đưa đón thì việc đi lại quả là khó khăn. Anh Trí bộc bạch, ngồi trên xe ô tô an toàn hơn rất nhiều so với việc anh tự đi bằng xe máy. Hơn nữa, xe được trang bị máy lạnh, chỗ ngồi thoải mái, anh em cùng nhau chuyện trò vui vẻ nên quãng đường xa như được rút ngắn hơn.
Trên thực tế, có xe đưa rước đến tận nơi, người lao động không lo đi lại vất vả, nguy hiểm, nhất là những hôm trời mưa gió. Đây cũng là động lực thúc đẩy người lao động làm việc hiệu quả hơn. Hơn 10 năm nay, mô hình xe đưa đón người lao động được Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á duy trì đều đặn. Từ ngày công ty đi vào hoạt động đến nay, mỗi ngày có bình quân khoảng ba chuyến xe phục vụ đưa đón người lao động đến trụ sở làm việc. Theo ông Võ Thành Long, Giám đốc nhân sự của công ty, hiện DN có 3 xe 29 chỗ ngồi phục vụ đưa đón người lao động làm việc theo ca ngày và ca đêm. Điều đáng nói là toàn bộ xe và tài xế đều là của công ty thay vì phải thuê từ bên ngoài nên việc quản lý an toàn, kiểm tra, giám sát chất lượng xe rất chặt chẽ. Trên mỗi xe đều có thùng thư góp ý để ghi nhận những ý kiến đóng góp liên quan đến hoạt động, chất lượng phục vụ của xe đưa đón trong suốt hành trình đi lại. Việc tuân thủ giờ giấc, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn trong công tác phòng chống dịch được thực hiện nghiêm túc từ hành trình đón đến tận nơi làm việc. Mô hình này đã mang lại ý nghĩa lớn vì DN luôn có đủ lao động để sản xuất trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sự biến động nhân sự của công ty rất hiếm khi xảy ra. Cùng với việc tổ chức đưa rước, DN cũng có các ưu đãi khác cho công nhân như hỗ trợ từ 1 đến 3 bữa/ngày, đêm tùy ca sản xuất nên người lao động yên tâm gắn kết lâu dài với công ty và xem đây như ngôi nhà thứ hai của mình.
Xe đưa đón người lao động của Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á. |
Tại Công ty TNHH CIC Highland, ngay từ những ngày đầu mới thành lập, việc tổ chức xe đưa đón được đơn vị tích cực thực hiện. Chị Lê Thị Hồng Diễm, Trưởng Phòng Nhân sự, Phó Chủ tịch Công đoàn công ty cho hay, để người lao động chủ động chờ đón, công ty quy định rõ thời gian, các điểm đón. Cách làm này khiến người lao động yên tâm, tập trung công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ ở vị trí việc làm của mình. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ xăng, xe, chi phí đi lại tại các điểm sản xuất ở nông trường với mức 200.000 - 350.000 đồng/người/tháng, tùy vị trí di chuyển. Việc kiểm soát chất lượng xe, an toàn lái xe cũng được đơn vị phối hợp với phía hợp đồng chuyên chở thực hiện chặt chẽ.
Ông Vũ Văn Năm, Phó Ban phụ trách Ban chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, ngày càng có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn quan tâm tổ chức xe đưa đón phục vụ người lao động. Nhờ đó, đã góp phần bảo đảm an toàn giao thông, thuận tiện hơn cho người lao động trong suốt hành trình đi lại, tạo sự gắn kết, thân tình vui vẻ. Mô hình này có ý nghĩa thiết thực và cần được tiếp tục nhân rộng trên địa bàn tỉnh. |
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc