Những "trái ngọt" của ngành nông nghiệp Đắk Lắk
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 16-10-2016 của Tỉnh ủy về “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới”, UBND tỉnh đã ban hành các đề án, kế hoạch cụ thể để triển khai với 3 khâu đột phá.
Đó là ứng dụng công nghệ cao; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết, phát triển hợp tác xã (HTX); thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến nông sản. Căn cứ vào tình hình thực tế, ngành nông nghiệp tỉnh đã điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương gắn với nhu cầu thị trường.
Theo đó, các địa phương đã tích cực phát triển đa dạng cây trồng, từng bước hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung; sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất có chứng nhận ngày càng phổ biến... Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 50.000 ha cây trồng ứng dụng công nghệ cao, có liên kết và chứng nhận. Toàn tỉnh hiện có 16 dự án chăn nuôi quy mô lớn do các doanh nghiệp đầu tư, tăng 9 dự án so với năm 2015; có 559 trang trại chăn nuôi, tăng 217 trang trại so với năm 2015.
Công ty TNHH Thương mại và sản xuất nông sản Sapo Đắk Lắk (Cụm Công nghiệp Krông Búk 1, huyện Krông Búk) chế biến trái cây xuất khẩu. |
Điển hình như huyện Ea Kar đã triển khai hỗ trợ tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đối với sản phẩm heo rừng, các loại cây ăn trái (vải, nhãn, cam, quýt, bưởi); thị xã Buôn Hồ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận trái cây Buôn Hồ, hỗ trợ hợp tác xã sản xuất sầu riêng, bơ theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình liên kết chăn nuôi dê gắn với tiêu thụ sản phẩm; huyện Krông Pắc xây dựng nhiều dự án liên kết theo chuỗi gắn sản xuất với tiêu thụ...
Sau 5 năm triển khai đề án tái cơ cấu, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt trên 5,64%/năm (cao gần gấp đôi cả nước); giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích bình quân đạt 112 triệu đồng/ha (cao gấp 1,37 lần so với năm 2015). Toàn tỉnh hiện có 350 HTX nông nghiệp, tăng 230 HTX so với 2015 (nằm trong Top 13 tỉnh của cả nước có tốc độ tăng số lượng HTX trên 30%).
Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) đã thực sự phát huy được tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp của các địa phương. Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hằng năm, Sở tham mưu cho tỉnh vận dụng linh hoạt các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, hỗ trợ tín dụng, y tế, đào tạo nghề... Đồng thời, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với nông dân đảm bảo hài hòa lợi ích từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ...
Vườn cà phê già cỗi của một hộ dân ở xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột sau khi ghép cải tạo đã cho năng suất vượt trội. |
Chương trình xây dựng NTM chuyển biến rõ nét về chất lượng, đi vào chiều sâu. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã huy động được tổng nguồn vốn xây dựng NTM trên 21.950 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước bố trí trực tiếp 2.684,583 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ chương trình, dự án khác 5.884,542 tỷ đồng; vốn tín dụng 11.911,351 tỷ đồng và người dân đóng góp 1.469,586 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu.
Kết quả một số chỉ tiêu của ngành nông nghiệp tỉnh 5 năm qua: ° 102.215 tỷ đồng là giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản. °61/152 xã đạt chuẩn NTM (tăng 11 xã so với kế hoạch). °28,4 triệu đồng/người/năm là thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn (tăng 4,9 triệu đồng so với năm 2015). |
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc