Multimedia Đọc Báo in

Phát triển kinh tế nhờ mô hình xen canh

08:50, 02/10/2020

Trước tình hình giá nông sản bấp bênh, nhiều nông dân ở huyện Cư Kuin đã mạnh dạn phát triển kinh tế bằng mô hình trồng xen canh nhằm giảm bớt rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.

Gia đình anh Đậu Văn Thìn ở thôn 8, xã Ea Ktur có 1 ha cà phê trồng từ năm 1985. Cách đây 5 năm, sau khi được Hội Nông dân huyện hướng dẫn kỹ thuật và tổ chức cho đi học tập kinh nghiệm, anh Thìn đã quyết định phá bỏ toàn bộ diện tích cà phê này để tái canh. Sau 2 năm cải tạo đất anh bắt đầu xuống giống cà phê. Khi cà phê còn nhỏ, anh trồng xen cây ăn trái vừa làm cây che bóng cho cà phê vừa tăng thêm thu nhập.

Để tránh rủi ro, anh Thìn trồng xen nhiều loại cây khác nhau như: bơ booth, bơ 034, bơ hồng ngọc, sầu riêng, mít Thái... Sau 3 năm chăm sóc, vườn bơ đã cho thu hoạch với giá bán có thời điểm lên đến 60.000 đồng/kg. Những năm tiếp theo, sầu riêng và mít Thái cũng bắt đầu ra trái và được thương lái thu mua tận nơi. Nhờ đó mà hằng năm gia đình anh thu lãi hàng trăm triệu đồng, cao gấp nhiều lần trồng thuần cà phê trước đó. Anh Thìn cho biết, ở thời điểm hiện tại giá bơ tuy xuống thấp, nhưng nhờ có nhiều loại cây trồng nên nguồn thu của gia đình không bị ảnh hưởng nhiều.

Mô hình trồng bơ xen cà phê cho thu nhập cao của gia đình anh Đậu Văn Thìn ở thôn 8, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin.
Mô hình trồng bơ xen cà phê cho thu nhập cao của gia đình anh Đậu Văn Thìn ở thôn 8, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin.

Sau khi được tập huấn và tham khảo các mô hình trồng xen cho thu nhập cao, năm 2015 ông Hà Ngọc Đồng ở xã Ea Tiêu đã cải tạo 2 ha cà phê già cỗi của gia đình để trồng cây ăn quả. Sau 2 năm trồng hoa màu đợi xử lý đất, ông trồng 200 cây sầu riêng, 100 cây cam ruột đỏ, 1.000 cây cam xoàn và cam sành cùng 50 cây bưởi da xanh. Theo ông Đồng, việc trồng xen các loại cây ăn trái có tán lớn như sầu riêng, bơ, mít có tác dụng che mát cho cây cam, nhất là trong mùa khô. Năm 2019, lứa cam đầu tiên của gia đình ông Đồng đã cho thu hoạch với năng suất trung bình từ 20 - 25 kg/cây/vụ. Theo tính toán, mỗi năm ông Đồng thu lãi trên 150 triệu đồng từ cam và các loại cây ăn trái khác.

Ông Nguyễn Lưu Tuệ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cư Kuin cho biết, trên địa bàn huyện hiện có hơn 18.000 ha cây công nghiệp, trong đó cà phê chiếm hơn 12.500 ha, hồ tiêu trên 4.550 ha, còn lại là cây điều và cao su, trong đó có khoảng 1.000 ha cà phê đã già cỗi, năng suất kém cần phải tái canh. Những năm gần đây, giá cà phê, hồ tiêu liên tục xuống thấp. Để đảm bảo nguồn thu trên cùng một đơn vị diện tích, nhiều nông dân đã triển khai trồng xen nhiều loại cây trồng, nhất là cây ăn trái bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Theo ông Tuệ, cây ăn trái không đơn thuần là loại cây phụ, cây trồng xen như trước mà đã dần trở thành cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, người dân không nên độc canh cây ăn trái mà cần xen canh có hiệu quả các loại cây trồng trên cùng một diện tích đất.

Cán bộ Hội Nông dân huyện Cư Kuin tham quan mô hình trồng cam ở xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin.
Cán bộ Hội Nông dân huyện Cư Kuin tham quan mô hình trồng cam ở xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin.

Để hỗ trợ hội viên nông dân, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân mở rộng quy mô sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng biện pháp thâm canh, chuyên canh, phát triển kinh tế tổ hợp tác, kinh tế trang trại cho thu nhập cao. Từ năm 2015 đến nay, Hội Nông dân huyện đã xây dựng 3 hợp tác xã nông nghiệp, 4 tổ hợp tác, 33 tổ sản xuất cà phê bền vững, 2 câu lạc bộ hồ tiêu… Hội cũng đã đứng ra tín chấp cho hội viên nông dân vay phân bón trả chậm với số lượng hơn 360 tấn, xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân cho hội viên vay vốn. Nhờ thực hiện tốt các phong trào, hoạt động hội, hằng năm có trên 8.000 hộ nông dân trên địa bàn huyện Cư Kuin đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi…

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.