Phát triển năng lượng tái tạo: Giải bài toán đưa điện lên hệ thống
Một trong những vấn đề quan trọng được các nhà đầu tư quan tâm nhất trong quá trình khảo sát, lập dự án đầu tư về năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh là khả năng giải tỏa công suất của hệ thống truyền tải điện.
Tỉnh Đắk Lắk có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, trong đó, điện gió có thể đạt quy mô công suất hơn 10.000 MW, điện mặt trời 16.000 MWp. Thời gian qua, hàng loạt nhà đầu tư đến khảo sát, lập dự án năng lượng, trong đó có nhiều chủ đầu tư đề xuất tăng quy mô công suất dự án. Hiện toàn tỉnh có 20 dự án điện mặt trời đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực, tổng công suất 10.448 MWp; 3 dự án đã lấy ý kiến, đang xem xét trình vào quy hoạch, công suất 585 MWp.
Bên cạnh đó, 11 khu vực tiềm năng cũng được đề xuất đưa vào quy hoạch, tổng công suất 9.900 MWp. Đối với điện gió, 35 dự án đã trình hồ sơ bổ sung quy hoạch, tổng công suất 3.441,8 MW, 6 dự án đã lấy ý kiến các cơ quan chức năng, đang trình đưa vào quy hoạch, tổng công suất 5.699,5 MW, 3 dự án đang nghiên cứu khảo sát, tổng công suất 730 MW và 9 khu vực có tiềm năng phát triển điện gió đề xuất đưa vào quy hoạch, công suất 1.440MW.
Trạm truyền tải của cụm nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện. |
Về lưới điện truyền tải, trên địa bàn tỉnh có 3 đường dây 500 kV đi qua gồm: đường dây Pleiku - Đắk Nông - Phú Lâm (mạch 1), đang mang tải hơn 51%; đường dây Pleiku - Di Linh - Phú Lâm (mạch 2), đang mang tải gần 51,5%; đường dây mạch kép Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông (mạch 3), đang mang tải 50%. Đối với đường dây truyền tải 220 kV, hiện có 9 đường dây đi qua, trong đó có 4 tuyến trọng điểm truyền tải công suất nguồn điện trên địa bàn tỉnh gồm: đường dây 220 kV Pleiku 2 - Krông Búk, đang mang tải 71,65%; đường dây Krông Búk - Nha Trang, đang mang tải 76,11%; đường dây Buôn Kuốp - Krông Búk, mang tải 41,21%; đường dây Buôn Kuốp - Đắk Nông, mang tải 83,85%. Hệ thống đường dây truyền tải 220 kV và 500 kV trên địa bàn tỉnh có thể truyền tải tối đa khoảng 8.000 MW. Ngoài ra, đường dây truyền tải 500 kV Krông Búk - Tây Ninh 1 cũng đã được đưa vào quy hoạch, có khả năng truyền tải thêm công suất khoảng 4.000 MW.
Một dự án điện mặt trời đang xây dựng trên địa bàn huyện Ea Súp. |
Với khả năng mang tải của đường dây truyền tải và trạm biến áp 220kV, 500kV qua địa bàn tỉnh hiện hữu khoảng 50 – 80% thì các dự án năng lượng vận hành trong thời gian tới sẽ gây áp lực không nhỏ cho hệ thống truyền tải điện. Điều này đã khiến một số nhà đầu tư lo ngại điện sản xuất ra không đưa được lên hệ thống.
Để giải quyết vấn đề này, 3 trạm biến áp 500 kV được đầu tư xây dựng gồm: trạm biến áp 500kV của cụm Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp, dự kiến đưa vào vận hành tháng 11-2020; trạm biến áp của dự án điện gió Ea Nam, dự kiến đưa vào vận hành tháng 6-2021 và trạm biến áp Krông Búk, dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2022 - 2024. Bên cạnh hạ tầng truyền tải được bổ sung thêm, UBND tỉnh đã xây dựng những phương án đấu nối để giải tỏa hết công suất các dự án theo từng giai đoạn. Theo đó, các dự án tại khu vực huyện Ea H’leo, Krông Năng và Krông Búk, công suất khoảng 2.000 MW, sẽ được gom đấu nối về trạm biến áp 500 kV của Nhà máy điện gió Ea Nam.
Các dự án tại huyện Ea Súp, công suất khoảng 2.500 MW, được gom đấu nối về trạm biến áp 500 kV của cụm Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp. Đối với các dự án tại khu vực thị xã Buôn Hồ, huyện Cư M’gar và Buôn Đôn, công suất khoảng 2.700 MW sẽ được gom đấu nối về trạm biến áp 500 kV Krông Búk để truyền tải lên đường dây mạch kép 500 kV Krông Búk - Tây Ninh 1 và đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông. Phương án này được xem là khả thi nhất và đã được tỉnh trình Bộ Công thương phê duyệt trong quy hoạch lưới điện và nguồn điện, góp phần bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia.
Ngoài điện gió và điện mặt trời, trên địa bàn tỉnh hiện có 2 dự án về điện sinh khối được xem xét trình bổ sung vào quy hoạch điện lực gồm dự án điện sinh khối Ea Kar (công suất 30 MW) và nhà máy điện sinh khối Ea H’leo (30 MW). |
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc