Multimedia Đọc Báo in

Ea Riêng nỗ lực về đích nông thôn mới

09:11, 27/10/2020

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), nhờ sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, diện mạo nông thôn xã Ea Riêng (huyện M’Drắk) đã có nhiều đổi thay, khởi sắc.

 

Dù được chọn là xã điểm xây dựng NTM của huyện M’Drắk nhưng vào năm 2010 khi bắt tay vào thực hiện, xã Ea Riêng có xuất phát điểm khá thấp. Trong đó, một số tiêu chí như: kết cấu hạ tầng, giảm nghèo, môi trường là bài toán khó đối với địa phương vì đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Xác định để về đích NTM cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền xã Ea Riêng đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, ban tự quản các thôn thường xuyên tuyên truyền vận động để bà con tin tưởng và hiểu được mục đích của xây dựng NTM; lắng nghe và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, từ đó vận động mỗi người dân tích cực tham gia phong trào qua các việc làm cụ thể như: hiến đất, cây trồng trên đất, đóng góp tiền, ngày công lao động làm giao thông nông thôn, thủy lợi; xây dựng cảnh quan môi trường.

 

Người dân xã Ea Riêng tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Người dân xã Ea Riêng tham gia làm đường giao thông nông thôn.

 

Hiểu được mục đích, ý nghĩa của Chương trình xây dựng NTM, nhiều người dân xã Ea Riêng đã tích cực hưởng ứng. Điển hình như thôn 8 có 80 hộ, 351 nhân khẩu đã tự nguyện đóng góp hơn 60 triệu đồng, hiến hơn 2.370 m2 đất, hàng trăm ngày công để tu sửa, san ủi, rải đá khắc phục các tuyến đường nội thôn xuống cấp. Nhiều hộ dân mặc dù đã xây tường rào, cổng nhà kiên cố nhưng vẫn tự nguyện tháo dỡ, nhường đất để mở rộng đường giao thông.

Đơn cử như gia đình chị Phan Thị Hường đã tự nguyện hiến hơn 1.650 m2 đất và 1.000 cây keo năm thứ hai để giải phóng mặt bằng làm đường giao thông liên xã dài gần 6 km. Từ việc làm của gia đình chị Hường, các hộ khác trong thôn như gia đình chị Nguyễn Thị Tuyến, Nguyễn Thị Hảo… cũng đã hiến nhiều diện tích đất ở, đất rẫy. Bên cạnh đó, người dân trong thôn còn tích cực phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, theo kết quả rà soát năm 2019 trong thôn chỉ còn 9 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo, thôn nhiều năm liền đạt thôn văn hóa.

Trong 10 năm qua, người dân xã Ea Riêng đã hiến 24.234 m2 đất, tài sản trên đất; trên 600 cây trồng các loại; đóng góp 4.587 ngày công lao động; hơn 4 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh phát huy nội lực trong xây dựng đường giao thông nông thôn, nhiều thôn trên địa bàn xã Ea Riêng đã tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần thực hiện tiêu chí số 10 về thu nhập. Điển hình như, người dân thôn 16 đến nay đã chuyển đổi hơn 300 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp sang trồng cây keo nguyên liệu và hơn 15 ha cây ăn quả các loại, bước đầu đã cho thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mức sống của người dân trong thôn từng bước được nâng lên, tính đến cuối năm 2019 thu nhập bình quân của thôn từ 35 - 40 triệu đồng/năm.

Trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm bình quân từ 5 - 6%/năm. Song song với phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, người dân thôn 16 cũng tích cực góp công, góp của xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Từ năm 2013 đến nay, các hộ dân trong thôn đã đóng góp 70 triệu đồng cùng với Nhà nước xây dựng 2 cầu tạm dài 47 m, rộng 1,5 - 2 m, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại; đồng thời, đóng góp tu sửa và thắp sáng đường giao thông nông thôn...

Nhờ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã, đến nay xã Ea Riêng đã đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới; phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020.

Thúy Diệp


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.