Multimedia Đọc Báo in

Phiên chợ hàng Việt ở huyện Krông Bông: Đưa hàng Việt tiệm cận hơn với người tiêu dùng

06:27, 05/10/2020

Tại các vùng nông thôn, nhu cầu sử dụng hàng Việt chất lượng, giá cả phải chăng của người dân là rất lớn. Thế nhưng trên thực tế lại thiếu kênh phân phối hàng Việt chất lượng bảo đảm tại những nơi này. 

Do đó, các phiên chợ "Hàng Việt về miền núi" được tổ chức đều đặn những năm qua đã làm cầu nối giúp doanh nghiệp (DN) tiếp cận sâu hơn với người tiêu dùng và góp phần tăng độ bao phủ cho hàng Việt.

Nhiều năm qua, Sở Công thương phối hợp với các siêu thị, DN trong và ngoài tỉnh tổ chức các phiên chợ hàng Việt về những huyện vùng sâu của tỉnh như Lắk, M’Drắk, Ea Súp, Krông Bông… Những phiên chợ như thế đã phần nào thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu thông tin, mua sắm hàng Việt có chất lượng của người dân trên địa bàn.

Nhằm tạo sức lan tỏa, giúp DN quảng bá hàng hóa, người tiêu dùng được tiếp cận sâu, nhận diện và tiếp tục ủng hộ hàng Việt hơn nữa, từ ngày 22 đến 26-10 tới, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh (thuộc Sở Công thương) sẽ tổ chức "Phiên chợ hàng Việt về miền núi" tại xã Hòa Phong, huyện Krông Bông. Hoạt động nằm trong Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia năm 2020, thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phiên chợ sẽ trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm thuộc các ngành hàng: tiêu dùng thiết yếu, hóa mỹ phẩm, hàng điện tử, thuốc bảo vệ thực vật...

Theo Ban tổ chức, đây là dịp để người dân có cái nhìn đầy đủ hơn về hàng Việt nên 100% sản phẩm được bày bán tại phiên chợ phải là hàng trong nước sản xuất, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; được các cơ quan quản lý Việt Nam cấp chứng nhận về chất lượng, mẫu mã, kiểu dáng. Đặc biệt là vệ sinh an toàn đối với hàng tiêu dùng như: thiết bị điện tử, cơ khí, nông cụ, giống cây trồng, lương thực, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, thiết bị vật tư y tế… được Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk phê duyệt.

Người dân chọn mua sản phẩm ở phiên chợ
Người dân chọn mua sản phẩm ở phiên chợ "Hàng Việt về miền núi" tại huyện Krông Bông năm 2015.

Phiên chợ lần này kỳ vọng sẽ góp phần tạo hiệu ứng xã hội về thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, qua đó thúc đẩy phát triển hệ thống phân phối, xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng, nâng cao sức mua hàng nội của người dân. Bởi riêng tại huyện Krông Bông, đây là "Phiên chợ hàng Việt về miền núi" thứ ba được tổ chức trên địa bàn, tạo đà cho hàng Việt có cơ hội “bám rễ” sâu và vững chắc hơn trong lòng người dân địa phương. Ở những phiên chợ trước, hàng Việt bày bán nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt và đánh giá cao về chất lượng của người dân địa phương.

Kết quả này đã thúc đẩy ngành chức năng tiếp tục triển khai chương trình, nghiên cứu cách làm hiệu quả hơn để xúc tiến các hoạt động thương mại, thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt. Ông Vũ Xuân Triều, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Krông Kmar chia sẻ, còn nhớ năm 2015, phiên chợ "Hàng Việt về miền núi" được tổ chức tại thị trấn Krông Kmar đã thu hút đông đảo người dân địa phương. Đây không chỉ là là dịp để quảng bá hàng Việt mà còn giúp người tiêu dùng nhận diện đâu là hàng hóa chính hãng, tránh tình trạng mua phải hàng "nhái", hàng giả kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến uy tín hàng nội và niềm tin của người tiêu dùng.

Ông Triều tin tưởng, những sản phẩm hàng Việt được tạo dựng bằng giá trị chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý luôn được người dân chấp nhận và “bén rễ’ lâu hơn trong lòng người tiêu dùng ở đây. Phiên chợ lần trước đã tạo hiệu ứng tốt trong nhân dân trên địa bàn, thiết thực giúp người dân có thêm thông tin, cái nhìn đầy tin tưởng về hàng hóa do DN Việt sản xuất. Điều này sẽ từng bước xây dựng thói quen, nét văn hóa dùng hàng Việt, giúp người dân cũng như cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình khi ưu tiên lựa chọn, sử dụng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước.

Khách tham quan  phiên chợ
Khách tham quan phiên chợ "Hàng Việt về miền núi" tại huyện Krông Bông năm 2015.

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh, để phiên chợ có sức lan tỏa, được nhiều người dân biết và đến tham quan, tìm hiểu, mua bán sản phẩm thì công tác thông tin, tuyên truyền đang được Trung tâm cũng như các đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện. Cùng với đó, quan trọng nhất vẫn là chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết để phiên chợ diễn ra an toàn, đạt hiệu quả tốt nhất. Trung tâm đã chủ động phối hợp với địa phương nơi diễn ra phiên chợ chuẩn bị mặt bằng, lực lượng an ninh, phòng cháy chữa cháy, điện, nước, công tác vệ sinh… bảo đảm thông suốt, an toàn trong suốt thời gian phiên chợ diễn ra.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.