Thành tựu nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội Đắk Lắk 5 năm qua
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, với quyết tâm chính trị cao, sự đoàn kết đồng lòng của toàn Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh, Đắk Lắk đã tích cực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và đạt nhiều kết quả quan trọng.
°Quy mô nền kinh tế tăng cao: Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, sự nỗ lực, quyết tâm cao của chính quyền, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế (GRDP – theo giá so sánh năm 2010) bình quân đạt 8,75%; quy mô nền kinh tế tăng cao, năm 2020 ước đạt 62.000 tỷ đồng, gấp 1,52 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) ước đạt 54,55 triệu đồng, gấp 1,67 lần năm 2015. Thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng nhanh, bình quân 10%/năm; tổng thu cân đối 5 năm đạt 30.678 tỷ đồng, bằng 7,4% GRDP (cao hơn giai đoạn trước 0,5%).
°Đổi mới nông nghiệp và phát triển nông thôn: Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình cho năng suất cao, chất lượng tốt, có mức tăng trưởng khá, đạt 5,64% giữ vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế và đời sống nông thôn. Tái cơ cấu nông nghiệp đang được triển khai theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết, thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến. Đây cũng là dấu ấn quan trọng, góp phần thúc đẩy nhanh, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 61/152 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Lãnh đạo UBND tỉnh ký kết Chương trình hợp tác và biên bản ghi nhớ với một số bộ, ngành. Ảnh: Hoàng Gia |
°Dấu ấn công nghiệp năng lượng tái tạo và dịch vụ: Với việc chú trọng thu hút các dự án đầu tư, công nghiệp - xây dựng chuyển dịch tích cực, năng lượng tái tạo phát triển nhanh; quy hoạch xây dựng đi trước làm cơ sở quản lý và bảo đảm tính định hướng, đồng bộ. Hiện nay, toàn tỉnh có 1 dự án điện gió, công suất 28,8 MW; 5 dự án điện mặt trời, công suất 190 MWp đi vào hoạt động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng trưởng bình quân 11,63%/năm; năm 2020 ước đạt 82.650 tỷ đồng, gấp 1,73 lần so với năm 2015. Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng đều qua các năm, từ 15,6% lên 16,5%; khu vực dịch vụ ngày càng giữ vai trò dẫn dắt, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung với mức tăng từ 35,5% lên 45,2%.
°Doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển mạnh về số lượng: Khu vực kinh tế tư nhân có nhiều đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn tỉnh trong 5 năm là 4.937 doanh nghiệp với bình quân vốn đăng ký đạt 10 tỷ đồng/doanh nghiệp. Số doanh nghiệp đang hoạt động vào cuối năm 2020 khoảng hơn 10.370 doanh nghiệp, tăng 1,93 lần về số lượng và 4,08 lần về quy mô vốn/doanh nghiệp so với năm 2015. Các tổ chức, doanh nghiệp hiện chiếm 44% vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.
°Mở rộng đối ngoại, hợp tác đầu tư: Nhiệm kỳ qua đánh dấu những đột phá trong tư duy đối ngoại, mở rộng hợp tác, xúc tiến đầu tư của Đắk Lắk. Không chỉ hợp tác với các tỉnh, thành, các tập đoàn lớn trong nước, tỉnh đã tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn đi xúc tiến thương mại ở các nước như: Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand. Tổ chức thành công Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI, VII và các hội nghị xúc tiến đầu tư; tích cực quảng bá hình ảnh Đắk Lắk về truyền thống, lịch sử, văn hóa, tiềm năng thế mạnh, kêu gọi hợp tác đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Đắk Lắk với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia) và các tỉnh Nam Lào (Cộng hòa DCND Lào) được duy trì và củng cố; đã thiết lập, mở rộng quan hệ đối ngoại với các tỉnh Orkhon (Mông Cổ), thành phố Sakai (Nhật Bản), tỉnh Jeollabuk, thành phố Nonsan (Hàn Quốc), thành phố Goulburn (Úc). Đã ký kết 19 thỏa thuận quốc tế với các đối tác nước ngoài trong các lĩnh vực hợp tác về năng lượng xanh, môi trường, giáo dục, viện trợ nhân đạo... Qua đó, vận động được 63 khoản viện trợ với tổng trị giá trên 6,8 triệu USD.
°Giáo dục - đào tạo từng bước khẳng định vị trí trung tâm vùng: Hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực Tây Nguyên, nhiệm kỳ qua, công tác quy hoạch, xây dựng mạng lưới trường lớp được tỉnh quan tâm, đầu tư. Số lượng học sinh đoạt giải quốc gia, khu vực đã tăng rõ rệt; kết quả các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia được nâng lên, xếp vị trí cao trong khu vực, đã có 3 học sinh tham dự chung kết Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Toàn tỉnh có 504/1007 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ trên 50% (tăng 17,8% so với giai đoạn trước).
Lê Hương (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc