Thay đổi nếp nghĩ để thoát nghèo
Huyện Krông Bông là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đời sống còn khó khăn. Đồng bào thường làm theo những gì mà họ nhìn thấy thực tế.
Vì vậy, việc xây dựng và nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả ở ngay từng địa phương là giải pháp trực quan tối ưu để khuyến khích bà con làm theo vươn lên thoát nghèo.
Cùng với việc nghiên cứu giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên diện tích đất đang canh tác, tận dụng đất đồi dốc để phát triển kinh tế đồi rừng, chăn nuôi kết hợp mô hình tổng hợp là hướng phát triển bền vững, hiệu quả, phù hợp với thổ nhưỡng, thời tiết và lối canh tác, sản xuất đơn giản của bà con DTTS ở các xã vùng sâu huyện Krông Bông. Hướng phát triển này đã được một số ít nông dân người Êđê, M’nông ở các xã Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao triển khai hiệu quả, tuy nhiên vẫn chưa được nhân rộng.
Đồng bào M'nông ở buôn Tul, xã Yang Mao (huyện Krông Bông) thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất. |
Thực tế cho thấy, nếu không có giải pháp giúp người nghèo, nhất là đồng bào DTTS, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại thì cho dù Nhà nước có hỗ trợ bao nhiêu cũng rất khó giúp họ thoát nghèo. |
Bên cạnh đó, các địa phương cần nghiên cứu và khuyến khích nhân rộng một số mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao trong thời gian qua, như: Mô hình xây dựng hệ thống thủy lợi phát triển cây lúa nước, bảo đảm lương thực cho hơn 100 hộ dân M'nông ở buôn Tul (xã Yang Mao); mô hình trồng cà phê xen điều, cây ăn trái, lúa nước, sắn, ngô lai kết hợp trồng cỏ chăn nuôi bò, dê, heo, gà của một số hộ ở buôn Chàm A (xã Cư Drăm) cho thu nhập gần trăm triệu đồng mỗi năm; mô hình trồng dâu nuôi tằm với thu nhập 10 triệu đồng/tháng của gia đình ông Lò Văn Mai (dân tộc Thái) ở buôn Chàm A (xã Cư Drăm); mô hình trồng đậu cove của anh Y Hùng Niê (dân tộc M’nông) ở buôn Khóa (xã Cư Pui) cho thu nhập gần 20 triệu đồng/sào/vụ. Về kinh tế rừng, có thể kể đến mô hình trồng keo cho thu nhập hơn 60 triệu đồng/ha của anh Y Róa Byă (dân tộc M’nông) ở buôn Tul (xã Yang Mao), mô hình trồng dứa đồi của gia đình Ama Nghiệp (dân tộc Êđê) ở buôn Chàm B (xã Cư Drăm) là hướng đi phù hợp với vùng đất đồi dốc của địa phương. Đặc biệt, mô hình làm kinh tế tổng hợp của một số gia đình ở buôn M'ghi (Yang Mao) cũng phát huy hiệu quả rõ rệt, giúp các hộ thoát nghèo bền vững và vươn lên khá giả. Hầu hết các hộ xây dựng các mô hình kinh tế thành công đều có điểm chung là sự nỗ lực vươn lên, siêng năng chăm chỉ và cố gắng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm làm ăn.
Với mô hình trồng trọt và chăn nuôi kết hợp, gia đình anh Y Khoát Êban (buôn Chàm A, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông) đã vươn lên thoát nghèo. |
Cùng với đó, các địa phương cần đầu tư, huy động thêm các nguồn vốn để mua sắm thiết bị, máy móc, hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, làng nghề ngay ở các buôn làng vùng sâu nhằm thu hút nhân công nhàn rỗi và những lao động đã được học các lớp nghề phổ thông để họ kiếm thêm thu nhập; không đầu tư dàn trải theo kiểu "cào bằng, chia đều, mì ăn liền" lãng phí, kém hiệu quả mà tập trung đầu tư một số mô hình thật sự hiệu quả cho những hộ đã thay đổi được cách nghĩ, thực sự muốn thoát nghèo nhưng thiếu các điều kiện để phát triển. Thay đổi nếp nghĩ, cách làm ngay trong lớp trẻ bằng nhiều hình thức, trong đó nên thường xuyên chia sẻ những gương điển hình làm kinh tế giỏi trên các diễn đàn, mạng xã hội; phân công, giao nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên phụ trách các buôn; tăng cường cán bộ, đảng viên tâm huyết, năng động xuống làm bí thư chi bộ ở các buôn, thay thế những cán bộ không đủ năng lực, không đáp ứng được yêu cầu; bầu chọn ban tự quản, các đoàn thể ở các thôn, buôn là những người có uy tín, sản xuất giỏi, tâm huyết; cử cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người dân cách làm ăn...
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc