Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ: Hướng đến những nhu cầu thiết thực của doanh nghiệp
Nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã được tỉnh triển khai trong thời gian qua, nhưng hiệu quả chưa cao. Các doanh nghiệp đang cần những chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh.
Doanh nghiệp nhiều, nhưng chưa mạnh
Toàn tỉnh hiện có 9.100 doanh nghiệp, riêng trong giai đoạn từ 2015 đến nay có 4.488 doanh nghiệp thành lập mới. Xét về vốn điều lệ đăng ký, chỉ có 123 doanh nghiệp lớn (chiếm tỷ lệ 1,5%); 98,5% còn lại là doanh nghiệp quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, trong đó 96,3% là doanh nghiệp siêu nhỏ. Trong số các doanh nghiệp đang hoạt động thì có đến 12,5% doanh nghiệp tiền thân là hộ kinh doanh chuyển đổi thành lập doanh nghiệp, lý do chuyển đổi phần lớn không phải là do năng lực, quy mô mà chủ yếu là để nắm bắt cơ hội kinh doanh, hưởng chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp được đăng ký chính thức, thậm chí có doanh nghiệp chuyển đổi theo yêu cầu pháp lý.
Cơ sở sản xuất ngói màu của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Thụ (huyện Ea Kar). |
Theo đánh giá của UBND tỉnh, số lượng doanh nghiệp tăng nhanh trong những năm gần đây, nhưng quy mô không có nhiều thay đổi, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ. Về lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp bước đầu có chuyển đổi cơ cấu ngành nghề kinh doanh từ các ngành nghề đơn thuần trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chế biến quy mô nhỏ sang những lĩnh vực mới có tính liên kết cao như: giáo dục, dịch vụ tài chính, bảo hiểm, năng lượng… Song mức tích tụ vốn và tài sản của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, hiệu quả sử dụng đồng vốn thấp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp khó khăn về lao động có tay nghề, chuyên môn và tác phong công nghiệp, do đó khả năng cạnh tranh còn nhiều hạn chế, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu và rộng.
Để tiếp sức cho DNNVV, tỉnh đã có những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, kết nối giao thương, mở rộng thị trường, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực, tiếp cận lao động, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Ngoài chính sách ưu đãi trực tiếp, UBND tỉnh cũng ban hành một số quy định về chính sách mềm như: quy định về trình tự, thủ tục, cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư, quy chế quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và các lĩnh vực liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế thì nhiều chính sách chưa hiệu quả trong thực tiễn, số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ còn hạn chế. Luật Hỗ trợ DNNVV và một số nghị định liên quan đã có hiệu lực từ đầu năm 2018, nhưng đến nay chưa có hướng dẫn chi tiết để thực hiện, nhất là quy định về hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, sử dụng đất, cấp bù lãi suất…
Cần một nghị quyết để nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp
Theo UBND tỉnh, một trong những hạn chế trong hỗ trợ DNNVV là những chính sách đang thiếu đồng bộ, chưa đủ mạnh và chưa tạo ra đột phá. Về chính sách hỗ trợ vay vốn, mặc dù các tổ chức tín dụng đã rút ngắn quy trình, thủ tục, nhưng nhiều doanh nghiệp có nhu cầu không thể tiếp cận vốn do không có tài sản thế chấp và phương án sản xuất kinh doanh thiếu tính khả thi. Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị vẫn chưa quan tâm đến việc đổi mới công nghệ, phương án sản xuất kinh doanh và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Qua rà soát của cơ quan chức năng, trong số hơn 9.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, có 6.368 doanh nghiệp phát sinh doanh thu với tổng thu nhập 99.436 tỷ đồng, tăng 31% về số lượng và gần 57,6% về doanh thu so với năm 2015. |
Qua khảo sát thực tế từ cộng đồng doanh nghiệp, UBND tỉnh cho rằng: các chính sách hỗ trợ cần tập trung vào một số vấn đề thiết thực mà DNNVV thật sự có nhu cầu. Cụ thể, để thực hiện liên kết, tham gia chuỗi giá trị hàng hóa, doanh nghiệp cần hỗ trợ kết nối các đối tác, chuỗi liên kết và tiếp cận các yếu tố liên quan đến sản xuất, kinh doanh như: đất đai, nguồn vốn, công nghệ. Trong hoạt động đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cần quảng bá sản phẩm, dịch vụ và thông tin thị trường. Đối với các chính sách hỗ trợ xuất khẩu, doanh nghiệp mong muốn nhận được kênh thông tin kết nối với các nhà nhập khẩu và cải thiện cơ sở hạ tầng, logistics. Trong hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp, việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng nhất, tiếp theo là tư vấn miễn phí về thuế và chế độ kế toán trong 3 năm đầu. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ DNNVV trong thời gian tới phải cân đối được nguồn lực, trước mắt tập trung hỗ trợ về mặt thể chế nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh; chú trọng thực hiện có hiệu quả các hỗ trợ chung, tranh thủ nguồn lực của Trung ương và nguồn xã hội hóa trong thực thi chính sách; đồng thời các chính sách đặc thù phải phù hợp, bảo đảm khả năng thực thi.
Một doanh nghiệp chế biến mủ cao su trên địa bàn huyện Krông Năng. |
Trên cơ sở đánh giá thực trạng về công tác hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua và yêu cầu từ thực tiễn, tại Kỳ họp thứ 11 sắp tới của HĐND tỉnh, UBND sẽ trình xem xét Dự thảo Nghị quyết xây dựng một số chính sách hỗ trợ DNNVV giai đoạn 2021 – 2025. Nghị quyết sẽ đưa ra những chính sách cụ thể hỗ trợ DNNVV, tập trung vào 3 nội dung: đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Theo UBND tỉnh, nghị quyết này thực sự cần thiết, nhằm tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi cho các DNNVV, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc