Multimedia Đọc Báo in

Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

08:09, 05/11/2020

Những năm qua, biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, môi trường trên thế giới.

Tại nhiều nơi ở Tây Nguyên, trong đó có Đắk Lắk, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp đã khiến diện tích, chất lượng rừng tự nhiên suy giảm, kéo theo tình trạng xói mòn, rửa trôi, suy thoái tài nguyên. Hạn hán kéo dài, mưa lũ bất thường đã gây thiệt hại lớn đối với đời sống và sản xuất của người dân.

Tại Hội thảo “Đánh giá rủi ro của biến đổi khí hậu có sự tham gia và xây dựng giải pháp ở cấp cộng đồng” (gọi tắt Hội thảo) do Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) tổ chức vừa qua, các đại biểu đã phân tích, chia sẻ một số kiến thức, kinh nghiệm, cũng như giải pháp nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Người dân huyện Lắk tận dụng nguồn nước tự nhiên để nuôi vịt đồng.  Ảnh: Q.Anh
Người dân huyện Lắk tận dụng nguồn nước tự nhiên để nuôi vịt đồng. 

Như nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Krông Bông, anh Bùi Nhựt Tuân (cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện) cho biết có thể nhận thấy rõ tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu lên thời tiết vùng đất này. Chỉ trong một ngày, nắng – mưa, nóng – lạnh liên tục thay đổi. Thời tiết thất thường không theo mùa, khô hạn kéo dài khiến lượng nước tưới tiêu bị suy giảm, tác động đến năng suất cây trồng. Không thể đánh cược mãi với khí hậu cực đoan, những năm gần đây, gia đình anh Tuân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ ngắn ngày sang trồng cây ăn quả, kết hợp đầu tư thêm hệ thống tưới nước tiết kiệm. Anh Tuân cho biết, cây ăn quả gia đình chọn trồng chịu hạn tốt, thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, cùng với đó việc tưới nhỏ giọt tiết kiệm được cả công sức lẫn chi phí chăm sóc, lượng nước ngầm.

Cũng theo anh Tuân, biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của  nông dân, cụ thể là quá trình canh tác cây trồng. Vì vậy, Trạm Khuyến nông huyện thường xuyên khuyến cáo người dân xuống giống cây trồng đúng vụ để tránh những rủi ro của thời tiết; triển khai mô hình tưới tiết kiệm và đang hướng  người dân thực hiện mô hình nông lâm kết hợp. Điều này vừa góp phần giữ chất lượng đất, hạn chế xói mòn, rửa trôi, đồng thời nâng cao thu nhập, đa dạng hóa sản phẩm cây trồng trên một diện tích.

Tìm cách thích ứng với biến đổi khí hậu cũng là điều mà nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đắk Phơi (huyện Lắk) đang thực hiện. Cùng với chủ động theo dõi thời tiết thường xuyên, người dân lựa chọn các loại cây giống có nguồn gốc uy tín, khả năng kháng bệnh tốt, chịu hạn cao. Anh Hoàng Trường Giang, Bí thư Đoàn xã cho hay, rút kinh nghiệm thực tế, thay vì mang giống vật nuôi ở các nơi khác về chăm sóc, nhiều hộ dân trên địa bàn đã chọn giống lai ngay tại địa phương. Vốn đã thích ứng tốt với môi trường sống hiện tại, nên con giống sẽ dễ dàng sinh trưởng, phát triển hơn, hạn chế được rủi ro cho người nông dân trong quá trình phát triển sinh kế…

Mưa lớn kéo dài gây ngập úng diện tích cây trồng của người dân huyện Ea Súp. Ảnh: Q.Anh
Mưa lớn kéo dài gây ngập úng diện tích cây trồng của người dân huyện Ea Súp. 
 
"Rừng Tây Nguyên trước đây có diện tích rất lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, điều tiết nguồn nước cho không chỉ Tây Nguyên, mà còn các vùng miền lân cận. Tuy nhiên, hiện nay, qua nghiên cứu sơ bộ thì người dân Tây Nguyên đang canh tác, sản xuất trên khoảng 500.000 ha đất lâm nghiệp. Rừng tự nhiên suy giảm đã kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng xấu đến môi trường, làm gia tăng thêm các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu"
 
 Ông Trần Nam Thắng, chuyên gia Tropenbos Việt Nam.

Theo ông Trần Hữu Nghị, Giám đốc Tropenbos Việt Nam thì biến đổi khí hậu khiến nhiều nhóm đối tượng bị tổn thương, trong đó người nghèo là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, gần như trên mọi phương diện. Một trong những giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu đơn giản, mà ít tốn kém nhất là bảo vệ rừng, bởi thực tế rừng mang đến rất nhiều nguồn lợi cho con người. Ngoài ra còn nhiều giải pháp thích ứng, như: bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển nông lâm kết hợp, trữ nước ở những vùng khô hạn, chuyển đổi phương thức canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển dịch thời vụ, lách vụ, sử dụng giống cây trồng hợp lý, thay đổi kỹ thuật canh tác…

Ông Trần Hữu Nghị thông tin: “Thời gian ít nhất 5 năm tới, chúng tôi có một chương trình hỗ trợ người dân thích ứng tốt hơn trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như áp dụng sản xuất nông lâm nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện tại, chúng tôi đã chọn những mô hình mẫu và triển khai một số mô hình nông lâm kết hợp ở huyện Krông Bông và huyện Lắk. Hy vọng những năm tới, những kết quả ban đầu sẽ sớm được chia sẻ để người dân có thể cùng nhau học tập”.

Quỳnh Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.