Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Drắk: Cán bộ thôn, buôn phát huy vai trò trong xây dựng nông thôn mới

08:56, 11/11/2020

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện M’Drắk, các bí thư chi bộ, trưởng thôn, buôn là người dân tộc thiểu số có nhiều cách làm sáng tạo, giải pháp cụ thể góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân.

Buôn Pa (xã Cư Prao) có 85 hộ, hơn 360 nhân khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 98%. Những năm gần đây, nhiều con đường nội buôn đã được bê tông hóa khang trang, không còn cảnh lầy lội, giao thông khó khăn mỗi khi trời mưa. Kết quả này có sự đóng góp tích cực của ông Y Zi Niê Kđăm, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Prao kiêm Bí thư Chi bộ buôn Pa. Ông đã không quản ngại khó khăn, vất vả, thường xuyên đến từng nhà dân để trò chuyện, giải thích, giúp bà con nâng cao nhận thức và hiểu rõ về lợi ích khi tham gia xây dựng NTM, từ đó góp công góp của để cùng làm đường giao thông.

Ông Y Zó Byă (bìa trái) vận động người dân buôn Cư Prao tham gia xây dựng nông thôn mới.
Ông Y Zó Byă (bìa trái) vận động người dân buôn Cư Prao tham gia xây dựng nông thôn mới.

Trước khi triển khai các tiêu chí nông thôn mới, ông Y Zi và chi bộ, Ban tự quản buôn Pa đều khảo sát lấy ý kiến của người dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; công khai, minh bạch các khoản thu, chi để người dân cùng biết… Nhờ đó, phong trào xây dựng NTM được đông đảo bà con trong buôn đồng tình hưởng ứng, tự nguyện đóng góp để triển khai thực hiện. Từ năm 2019 đến tháng 9-2020, ông Y Zi và chi bộ, Ban tự quản buôn Pa đã vận động người dân tự nguyện hiến trên 200 m2 đất, 150 ngày công lao động cùng với Nhà nước bê tông hóa con đường liên buôn Pa đi buôn Hoang, buôn Năng… với tổng chiều dài khoảng 2 km. Bên cạnh đó, ông cũng tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp, nâng cao thu nhập; đến nay ở buôn Pa chỉ còn 41 hộ nghèo, trên 98% số hộ có ti vi, 100% hộ có điện thoại di động, 70% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, …

Buôn Cư Prao (xã Ea Lai) hiện có 52 hộ với 184 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, cuộc sống của người dân trong buôn rất khó khăn, phần vì thiếu vốn lại chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất,  chuyển đổi cây trồng vật nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Xác định xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, với vai trò là Trưởng buôn, ông Y Zó Byă đã phối hợp với chi bộ, Ban tự quản buôn bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ cách làm theo hướng khoa học. Nhờ vậy, đến nay buôn Cư Prao đã đổi thay đáng kể, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, trong buôn có trên 14% hộ khá và giàu, trên 85% hộ đạt gia đình văn hóa, 100% hộ có điện thoại và phương tiện nghe nhìn... Từ năm 2019 đến nay, người dân trong buôn Cư Prao tự nguyện hiến hơn 250 cây cà phê, cây ăn quả; 2.000 m2 đất, đóng góp hơn 120 ngày công để làm đường cấp phối đi các thôn 4, 5, 6 với chiều dài trên 400m. Bản thân gia đình ông Y Zó cũng đã hiến 300 m2 đất, 100 cây ăn trái… để làm đường giao thông.

Người dân buôn Pa tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Người dân buôn Pa tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Với phương châm “hiểu dân, lắng nghe ý kiến của dân”, các bí thư chi bộ, trưởng buôn người dân tộc số huyện M’Drắk đã thực hiện được nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả để xây dựng hạ tầng nông thôn, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân. Tính đến tháng 10-2020, toàn huyện đã đạt được 123/228 tiêu chí NTM, bình quân mỗi xã đạt 10,25 tiêu chí. Trong đó các xã: Ea Riêng, Ea Pil, Ea Lai đạt từ 12 - 16 tiêu chí; các xã Ea H’mlay, Cư Prao, Ea M’đoal, Cư M’ta, Krông Jing, Krông Á đạt từ 9 - 11 tiêu chí; các xã Ea Trang, Cư San, Cư Króa đạt từ 6 - 8 tiêu chí.

Đức Khá

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.