Multimedia Đọc Báo in

Thu nhập cao từ nuôi gà thương phẩm

08:40, 12/11/2020

Trước đây, cuộc sống của gia đình ông Nguyễn Trí Vạn và bà Nguyễn Thị Tâm (thôn 5, xã Ea Lai, huyện M’Drắk) rất khó khăn, chủ yếu dựa vào trồng tiêu, cà phê song năng suất, sản lượng không cao, giá cả lại bấp bênh.

Năm 2015, sau khi tìm hiểu, vợ chồng ông Vạn, bà Tâm đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, mua giống gà thương phẩm đạt chất lượng về chăn nuôi. Lúc đầu, ông bà chỉ nuôi thử nghiệm 1.000 con để tích lũy kinh nghiệm cũng như đánh giá mức tiêu thụ của thị trường. Có vốn và kinh nghiệm, ông bà mạnh dạn mở rộng chuồng trại lên diện tích trên 1.500 m2 làm chuồng nhốt, máng ăn, bép uống nước tự động, với số tiền đầu tư gần 1 tỷ đồng; đồng thời liên hệ với các công ty chế biến thực phẩm, thương lái trong và ngoài huyện đến tận trang trại để thu mua.

 

Bà Tâm chăm sóc đàn gà của gia đình. 
Bà Tâm chăm sóc đàn gà của gia đình.

Hiện nay, gia đình ông Vạn đã gây dựng được đàn gà trên 7.000 con, trung bình mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 8 - 10 tấn thịt. Với giá bán hiện nay từ 54.000 – 57.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình lãi hơn 70 triệu đồng/tháng. Theo bà Tâm, yếu tố quyết định thành công trong chăn nuôi gà thương phẩm chính là áp dụng công nghệ nuôi khoa học. Hiện các khu chuồng trại nuôi gà của gia đình được xây dựng thoáng mát đúng quy cách, có lót đệm sinh học để hạn chế ô nhiễm môi trường; thường xuyên phun thuốc tiêu trùng, khử độc, vệ sinh trong và ngoài chuồng gà sạch sẽ. Nhờ vậy mà từ khi nuôi gà đến nay chưa bao giờ trang trại gà của gia đình bị dịch bệnh.

Bên cạnh nuôi gà thương phẩm, gia đình ông Vạn, bà Tâm còn chăm sóc 500 trụ tiêu, 1.500 cây cà phê để nâng cao thu nhập. Ông Trịnh Đình Quyết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Lai cho biết: “Hiện nay, Hội Nông dân xã đang vận động khuyến khích hội viên, nông dân trên địa bàn học hỏi kinh nghiệm thực tế từ mô hình của gia đình bà Tâm để phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường và mang lại thu nhập ổn định”.

Thúy Diệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.