Multimedia Đọc Báo in

Biến đất cằn thành những mùa quả ngọt

08:58, 15/12/2020

Nhiều hộ dân ở xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi những diện tích cây trồng già cỗi, năng suất thấp sang trồng các loại cây ăn trái đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhắc đến xã Ea Nuôl người ta thường nghĩ đến một vùng đất sỏi đá, khô cằn, độ phèn cao… khó canh tác nông nghiệp. Với các loại cây trồng truyền thống như cà phê, tiêu thì năng suất bình quân cũng chỉ bằng 1/2 so với các vùng khác trong tỉnh. Vì vậy, đời sống của người dân bao năm vẫn trong vòng luẩn quẩn của nghèo khó. Thế nhưng, khoảng 5 năm trở lại đây, một số hộ dân trong xã đã tiên phong đưa giống cây ăn trái từ các tỉnh miền Tây về trồng, mang đến cách nhìn khác đối với vùng thổ nhưỡng này. Đến nay, nhiều loại cây ăn trái đã “bén duyên” trên vùng đất Ea Nuôl với kỳ vọng sẽ mở ra hướng làm ăn mới cho người dân, hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái đầy tiềm năng.

Ông Giã Minh Thới (bìa phải) ở thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) giới thiệu về vườn cây ăn trái.
Ông Giã Minh Thới (bìa phải) ở thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) giới thiệu về vườn cây ăn trái.

Năm 2015, ông Giã Minh Thới (thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl) đã mạnh dạn đưa giống cam sành, quýt đường, bưởi da xanh (mỗi loại 10 cây) từ các tỉnh miền Tây về trồng thử nghiệm. Qua quá trình chăm sóc, ông Thới nhận thấy các loại cây trồng này phát triển khá tốt trên vùng đất Ea Nuôl. Sau 3 năm, cây ra quả đều và năng suất không thua kém cây trồng ở khu vực đồng bằng; thậm chí, do khí hậu, thổ nhưỡng ở Ea Nuôl khắc nghiệt nên cam, quýt, bưởi trồng nơi đây có vị ngọt đậm, thanh mát rất được ưa chuộng, thương lái tìm vào tận vườn đặt mua. Từ đó ông bắt đầu nhân rộng ra toàn bộ 6 sào vườn, đồng thời chiết cành bán giống, chỉ bảo kỹ thuật cho bà con trong xã cùng làm.

Với bản tính cần cù, sáng tạo, ông Thới nhận thấy cây bưởi có gốc to, bộ rễ khỏe, ít bị gãy đổ vào mùa mưa nên đã chiết cành trồng và ghép giống cam, quýt vào, thay thế toàn bộ gốc thuần cũ. Hình thức này khiến cây cam, quýt có tán rộng, cành khỏe, lại cho sai quả, mọng nước hơn. Hiện vườn nhà ông Thới có 100 cây cam sành, 100 cây quýt đường, 200 cây bưởi da xanh, 50 cây ổi, 50 cây dừa thơm… được bố trí trồng một cách khoa học. Cũng là hình thức xen canh, nhưng ông Thới chia đất thành ô trồng từng loại cây chuyên biệt. Theo ông, cách làm này sẽ đảm bảo khoảng cách trồng cây theo tiêu chuẩn quy định và thuận tiện cho việc tưới nước, bón phân định kỳ, dễ phòng trừ sâu bệnh hại. Với mô hình này, mỗi năm gia đình ông Thới có thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng (sau khi đã trừ chi phí sản xuất), cao gấp 3 - 4 lần so với trồng cà phê.

 
“Để góp phần nhân rộng và phát triển các mô hình trồng cây ăn trái tập trung, hiện nay, Hội Nông dân xã Ea Nuôl đang đứng ra tín chấp cho 500 hộ hội viên vay 12 tỷ đồng từ vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; tín chấp với doanh nghiệp cho 20 hộ nông dân mua 30 tấn phân bón vi sinh trả chậm”.
 
Bbà H’Anh Byă, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Nuôl

Cũng như gia đình ông Thới, năm 2016 ông Nguyễn Trung Kiên ở thôn Tân Phú đã chuyển đổi toàn bộ 1 ha cà phê già cỗi sang trồng cam, quýt, bưởi, mít Thái, hồng xiêm... Do biết áp dụng kỹ thuật để cây ra quả nghịch vụ (muộn hơn 2 - 3 tháng so với vụ chính) nên thời điểm này, vườn cam, quýt, bưởi của ông lúc lỉu quả chuẩn bị thu vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Ông Kiên cho biết, thị trường Tết luôn rất tiềm năng nên ông chọn những cây có dáng đẹp, cắt tỉa tạo thế để bán cây cảnh chưng Tết, ngoài ra, trái cây thu hoạch bán vào dịp này cũng có giá cao hơn trên 40% so với ngày thường. Riêng mỗi dịp Tết Nguyên đán ông bán gần 100 cây cảnh và 1,5 tấn quả, thu về hơn 300 triệu đồng.

Theo bà H’Anh Byă, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Nuôl, từ hiệu quả kinh tế mang lại, những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trong xã đã chuyển đổi diện tích đất vườn tạp, đất cà phê già cỗi hay tiêu bị chết sang trồng cây ăn quả. Toàn xã hiện có hơn 100 hộ phát triển mô hình trồng cây ăn trái như cam, quýt, bưởi, mít, na… trên tổng diện tích 170 ha (nhiều nhất là khu vực thôn Tân Phú với 60 hộ, 120 ha), hình thành vùng sản xuất cây ăn trái tập trung.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (thứ ba từ trái sang)  cùng lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình trồng cây ăn trái ở huyện Buôn Đôn.  Ảnh: H. Gia
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (thứ ba từ trái sang) cùng lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình trồng cây ăn trái ở huyện Buôn Đôn. Ảnh: H. Gia

Để hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất, nâng cao giá trị cây ăn trái, hằng năm, Hội Nông dân xã phối hợp với các đơn vị chức năng của huyện, tỉnh tổ chức từ 3 - 5 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; đồng thời đứng ra tín chấp với các doanh nghiệp để hội viên mua vật tư như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… trả chậm. Cùng với đó, Hội cũng tập trung tuyên truyền, vận động bà con thay đổi thói quen sản xuất theo hướng sạch, an toàn. Hiện nay, các hội viên nông dân ở Ea Nuôl đã hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà chuyển sang dùng các chế phẩm có nguồn gốc sinh học và đảm bảo thời gian cách ly 15 - 20 ngày trước khi thu hái, tiêu thụ. Mô hình trồng cây ăn trái ở xã Ea Nuôl được đánh giá là một trong số những mô hình kinh tế cho thu nhập cao ở huyện Buôn Đôn.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.