Huyện Krông Búk: Huy động mọi nguồn lực phát triển giao thông nông thôn
Xác định phát triển giao thông nông thôn (GTNT) đóng vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Krông Búk đã huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư xây dựng công trình.
Từ đầu năm 2020 đến nay, xã Tân Lập xây dựng được gần 13 km đường GTNT, với tổng kinh phí khoảng 20,3 tỷ đồng từ nguồn vốn Nhà nước và nhân dân đóng góp, dẫn đầu toàn huyện trong việc bê tông hóa đường GTNT. Hiện 100% đường trục xã đã láng nhựa; 13,43 km đường trục thôn được cứng hóa; hơn 85% đường ngõ xóm được láng nhựa, bê tông và cứng hóa.
Ông Nguyễn Văn Lam, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên người dân thấy được tầm quan trọng cũng như trách nhiệm, quyền lợi của mình khi tham gia xây dựng đường giao thông, từ đó đã tự nguyện phá dỡ tường rào, hiến đất, góp tiền của, ngày công xây dựng đường".
Thi công bê tông hóa đường giao thông nông thôn ở xã Tân Lập. |
Lộ rõ niềm vui khi tuyến đường liên thôn 2, 3, 4 có chiều dài hơn 1,7 km được thi công hoàn thành trong năm 2020 với kinh phí thực hiện gần 1,6 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Nam (ở thôn 2, xã Tân Lập) hồ hởi nói: "Trước đây, tuyến đường này rất gồ ghề, nhỏ hẹp. Từ khi được nâng cấp, bà con trong thôn ai cũng vui mừng vì đã có đường mới sạch đẹp, thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nông sản".
Bí thư Huyện ủy Krông Búk Huỳnh Chiến Thắng
|
Tại xã Cư Kpô, người dân cũng phấn khởi không kém vì từ đầu năm 2020 đến nay xã đã triển khai bê tông hóa 9 tuyến đường giao thông có chiều dài 5,2 km, tổng kinh phí hơn 4,7 tỷ đồng, trong đó người dân tự nguyện đóng góp gần 1 tỷ đồng. Các tuyến đường được cứng hóa đều mở rộng hơn so với trước, mặt đường rộng từ 3,5 m trở lên, bảo đảm độ dày, kỹ thuật theo quy định. Theo ông Nguyễn Viết Mùi, Phó Chủ tịch UBND xã, làm đường GTNT trên địa bàn xã được tổ chức chặt chẽ từ khâu lập dự toán, tổ chức họp dân, mua vật liệu… đến giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện. Ngoài ra, người dân còn trực tiếp giám sát công trình để kịp thời phản ánh những sai sót trong quá trình thi công.
Năm 2009 khi mới thành lập huyện, hầu hết các tuyến đường trên địa bàn xuống cấp trầm trọng, mặt đường nhỏ hẹp, khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản thì đến nay hệ thống giao thông ngày một hoàn thiện. Với quyết tâm cao, nắm chắc thực tế, huyện đã đề ra nhiều giải pháp phù hợp, trong đó ưu tiên đầu tư các tuyến đường quan trọng, huyết mạch và chú trọng phát triển giao thông liên thôn, liên xã theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm tạo ra mạng lưới GTNT đồng bộ, hoàn chỉnh nối các khu dân cư với vùng sản xuất, vùng nguyên liệu, khu công nghiệp. Giai đoạn 2015 – 2020, huyện đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 106 công trình đường GTNT. Đến nay, 80% đường từ trung tâm xã đến thôn, buôn và 57% đường liên thôn, buôn được cứng hóa. Những địa phương đi đầu trong xây dựng đường GTNT như xã Pơng Drang, Tân Lập, Cư Kpô… Người dân ở một số thôn, buôn khó khăn cũng tự nguyện đóng góp tiền, ngày công để làm đường và bảo quản công trình, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi giữa các địa phương.
Đường giao thông nông thôn ở xã Pơng Drang được xây dựng khang trang. |
Bí thư Huyện ủy Huỳnh Chiến Thắng cho biết, để đạt được mục tiêu cứng hóa 85% đường từ trung tâm xã đến thôn, buôn và 75% đường liên thôn, buôn vào năm 2025 địa phương tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông; tăng cường công tác quản lý, bảo trì sau đầu tư; phát huy vai trò giám sát cộng đồng tại khu dân cư, đồng thời khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho xây dựng GTNT…
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc