Thêm sinh kế cho người nghèo từ "bò nhân ái"
Thời gian qua, những con bò được mua từ tiền đóng góp của cán bộ, nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Đắk Lắk (NHCSXH) đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có thêm sinh kế, vươn lên trong cuộc sống.
Mô hình hỗ trợ bò sinh sản được NHCSXH triển khai từ năm 2014, kinh phí thực hiện được trích từ quỹ an sinh xã hội do các đoàn viên công đoàn trong đơn vị đóng góp. Từ đó đến nay, đã có 25 con "bò nhân ái" được mua tặng cho các hộ dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Theo đó, người thụ hưởng hỗ trợ được tự chọn bò giống, có sự giám sát của cơ quan thú y và chính quyền địa phương. Bò cái tặng người dân được chọn lựa tại những trang trại có uy tín hoặc những hộ chăn nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh tại địa phương và được tiêm phòng đầy đủ để bảo đảm bò không bị dịch bệnh, dễ thích nghi khi về với chủ mới.
Chị Biên chăm sóc đàn bò của gia đình. |
Gia đình chị Biên (dân tộc Xê Đăng, buôn Hring, xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc) là một trong những hộ đầu tiên được thụ hưởng từ chương trình này. Gia đình chị trước đây thuộc diện hộ nghèo, đất canh tác ít, vợ chồng chị phải làm thuê để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Năm 2014, chị được nhận 2 con bò cái về nuôi làm kế sinh nhai. Nhận bò giống, chị tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, cách phòng chống dịch bệnh cho bò. Chị cho biết, nuôi bò không khó, thức ăn ngoài cỏ trồng trong vườn còn có thể tận dụng thực phẩm thừa trong sinh hoạt. Bò nuôi của gia đình chị Biên sinh trưởng tốt, từ 2 con ban đầu đã phát triển lên 8 con, chị đã bán 3 con bò để mua hơn 1 sào đất canh tác, số bò còn lại chị giữ lại làm nguồn vốn lo cho bốn đứa con đang tuổi ăn học.
Ba chị em cháu H’Thoa Niê (xã Ea Trang, huyện M’Drắk) từ nhỏ đã chịu nhiều mất mát, thiệt thòi khi mẹ qua đời, cha bỏ đi lúc các cháu chưa học hết tiểu học. Từ năm 2016, chị em H'Thoa phải ở cùng với dì dượng, cả gia đình trông chờ vào mấy sào đất rẫy nên cuộc sống rất chật vật. Năm 2017, gia đình cháu được NHCSXH hỗ trợ 2 con bò cái để nuôi làm vốn. Dì dượng dựng cho cái chuồng nhốt bò ở góc vườn, ba chị em lúc không đi học thì thay nhau chăn bò, cắt cỏ. Đàn bò của gia đình H'Thoa đã phát triển lên 6 con. Năm 2019, chị đầu của H’Thoa vào đại học, dì dượng bán đi một con bò để lo chi phí, còn lại để nuôi tăng đàn sau này bán dần trang trải cho các cháu ăn học. “Gia đình thuộc diện hộ nghèo, lo cái ăn đã khó chứ chưa nói đến chuyện học hành của con cháu. May gia đình được hỗ trợ bò nuôi chứ không thì mấy đứa nhỏ sẽ thất học mất”, anh Trần Phước Triều, dượng của H’Thoa chia sẻ.
Lúc nghỉ học, cháu H'Thoa Niê dắt bò đi chăn thả. |
Theo Phó Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Hướng, qua theo dõi, kiểm tra cho thấy, các hộ thụ hưởng bò giống đã quản lý, chăm sóc đàn bò tốt, hầu hết bò hỗ trợ cho người dân đều tăng đàn. Hiện số lượng “bò nhân ái” còn 34 con, 27 con đã được hộ nuôi bán để đầu tư sản xuất, làm nhà, mua đất, nhiều hộ đã thoát nghèo, có kinh tế ổn định. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục duy trì và phát triển “ngân hàng sống" này để tạo thêm sinh kế cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng năm nay sẽ hỗ trợ bò sinh sản cho hai hộ nghèo ở xã Nam Kar, huyện Lắk. Bên cạnh đó cũng mong rằng, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp sẽ chung tay huy động thêm nguồn lực tham gia mô hình để có thêm nhiều người nghèo được thụ hưởng chương trình ý nghĩa này.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc