Multimedia Đọc Báo in

Công ty Cổ phần Ong mật Đắk Lắk: Chinh phục thị trường bằng niềm tin và chất lượng

11:48, 06/02/2021

Công ty Ong mật Đắk Lắk được thành lập từ năm 1975, đến năm 2000 chuyển đổi từ Doanh nghiệp Nhà nước sang Công ty Cổ phần, với ngành nghề kinh doanh chính là đầu tư nuôi ong lấy mật; mua bán, chế biến phấn hoa, sáp ong, mật ong xuất khẩu; mua bán, chế biến và xuất khẩu cà phê; nhập khẩu vật tư, hàng hóa, thiết bị phục vụ sản xuất và tiêu dùng.

Trải qua 45 năm hình thành và phát triển, Công ty Cổ phần Ong mật Đắk Lắk ngày càng khẳng định được uy tín, thương hiệu của mình, từ 40 đàn ong năm 1975,đến nay doanh nghiệp đã tổ chức được hơn 2.000 trại nuôi ong với tổng số trên 400.000 đàn ong, sản lượng hàng hóa mỗi năm khoảng trên 10.000 tấn mật, trong đó xuất khẩu trên 95%. Ngoài trụ sở chính tại số 3 Đinh Tiên Hoàng, TP. Buôn Ma Thuột, Công ty còn có 3 nhà máy chế biến tinh lọc mật ong tại các địa phương: KCN Chơn Thành (tỉnh Bình Phước); CCN Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) và  Quận 9 (TP. Hồ Chí Minh).

Công ty Cổ phần Ong mật Đắk Lắk
Công ty Cổ phần Ong mật Đắk Lắk.

Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, tại các nhà máy sản xuất, Công ty đã chủ động thay thế một số thiết bị bằng hệ thống tự động; lắp đặt hệ thống camera từ văn phòng đến các chi nhánh, thuận tiện cho việc theo dõi và quản lý, dùng phần mềm để quản lý truy xuất nguồn gốc hàng hóa, tạo uy tín cao đối với khách hàng nhập khẩu. Công ty chú trọng đến công tác đổi mới công nghệ, ứng dụng nhiều sáng kiến kinh nghiệm, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong tiên tiến, chuyển giao công nghệ, phương pháp, kỹ năng quản lý trại ong, cấp giấy chứng nhận VietGap cho từng cá nhân và thành lập bộ phận thu gom sản phẩm tại từng cơ sở; tổ chức kiểm tra giám sát quá trình thực hiện, quản lý danh sách nguồn gốc từng lô sản phẩm trong từng nguồn hoa và thời gian khai thác sản phẩm...

Với hệ thống vệ tinh thu mua sản phẩm mật ong trải rộng trên khắp cả nước từ các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ, miền Tây Nam bộ, miền Trung và các tỉnh phía Bắc,... nên sản lượng ong mật cùng các sản phẩm phụ như sáp ong, sữa ong chúa của Công ty tăng nhanh. Năm 2020, sản lượng mật ong đạt trên 12.000 tấn, sáp ong trên 500 tấn.

Khách hàng đang kiểm tra chất lượng đàn ong của Công ty Ong mật Đắk Lắk
Khách hàng đang kiểm tra chất lượng đàn ong của Công ty Ong mật Đắk Lắk.
Mục tiêu lấy chất lượng làm nền tảng, thương hiệu DakHoney của Công ty ngày càng được khách hàng tin tưởng đón nhận, đánh giá cao, kể cả thị trường quốc tế “khó tính” như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước thuộc liên minh châu Âu (EU).

Được biết, Công ty Cổ phần Ong mật Đắk Lắk là doanh nghiệp duy nhất trong hệ thống Ong mật Việt Nam đã bảo hộ thương hiệu “DakHoney” trong nước và thị trường Mỹ, Hàn Quốc từ năm 2008 đến nay đang vận hành theo hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm ISO 22000-2018, HACCP, HALAL và hệ thống truy xuất nguồn gốc (True source) sản phẩm của Hoa Kỳ. Từ chiến lược phát triển đúng đắn, đón đầu xu thế hội nhập, Công ty tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ. Năm 2020, doanh thu đạt 320 tỷ đồng, kim nghạch xuất khẩu đạt trên 14 triệu USD; lợi nhuận sau thuế 29 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 7,5 tỷ đồng; thu nhập bình quân người lao động đạt 12,5 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ nỗ lực nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, Công ty Cổ phần Ong mật Đắk Lắk còn luôn đi đầu trong các phong trào thi đua, thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội ở địa phương như: Xây dựng nhiều nhà tình nghĩa trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho công tác từ thiện xã hội và Buôn kết nghĩa… 

Võ Kim Ngân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.