Multimedia Đọc Báo in

Hành trình xây dựng thương hiệu gạo 721

14:35, 03/02/2021

Năng động trong quản lý, điều hành, luôn trăn trở, tìm tòi hướng đi thích ứng với sự phát triển của kinh tế thị trường, Công ty TNHH MTV Cà phê 721 (xã Cư Ni, huyện Ea Kar) đã khẳng định được vị thế của mình.

Hành trình xây dựng thành công thương hiệu gạo 721 là thành quả đáng tự hào trong chặng đường bền bỉ hơn 40 năm qua.

Tự hào kể về quá trình hình thành, phát triển của doanh nghiệp, ông Trịnh Xuân Tài, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 721 phấn khởi: “Công ty tiền thân là một trung đoàn bộ đội thành lập năm 1976, trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, có nhiệm vụ khai hoang, trồng trọt, rồi thành lập nông trường, công ty theo quy luật phát triển chung. Trải qua bộn bề gian khó do ít vốn, đất sản xuất, kỹ thuật hạn chế nên việc tìm được hướng đi đúng, hiệu quả đóng vai trò quyết định đối với sự tồn tại của đơn vị”.

Thực hiện dồn điền đổi thửa theo chính sách của Công ty TNHH MTV Cà phê 721, nông dân xã Ea Kmút (huyện Ea Kar) đã ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất
Thực hiện dồn điền đổi thửa theo chính sách của Công ty TNHH MTV Cà phê 721, nông dân xã Ea Kmút (huyện Ea Kar) đã ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất.

Để mở rộng sản xuất, ngoài diện tích được giao, Công ty đã liên kết sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và người dân trong vùng. Với diện tích 272 ha lúa, Công ty đã đầu tư giống, phân bón, cung ứng nước tưới, hỗ trợ một phần chi phí cho người lao động nhận khoán để sản xuất lúa giống và lúa nguyên liệu, đồng thời thu mua 100% sản phẩm của nông dân. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty đã cử đội ngũ kỹ thuật “bám” đồng ruộng cùng đồng hành, hỗ trợ, chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa cho nông dân.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, tổng doanh thu của Công ty đạt 276,7 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 7 tỷ đồng, lợi nhuận 7,5 tỷ đồng, giá trị tổng tài sản tăng 39% so với giai đoạn trước.

Từ một đơn vị chỉ thuần sản xuất lúa và cà phê, năm 2015, Ban Giám đốc công ty quyết định đột phá từ sản xuất sang chế biến, kinh doanh dịch vụ. Xác định hướng đi chủ lực là cây lúa với lợi thế về đất đai, khí hậu có thể tạo ra những giống lúa chất lượng cao, thơm ngon, Công ty đã đầu tư 11 tỷ đồng xây dựng hệ thống chế biến liên hoàn sau thu hoạch gồm sấy, xay xát gạo thành phẩm với công nghệ hiện đại. 

Không chỉ sản xuất gạo theo tiêu chuẩn VietGAP, chế biến theo tiêu chuẩn HACCP, vận hành chuỗi sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ theo tiêu chuẩn hệ thống chất lượng ISO 9001:2015, Ban Giám đốc công ty còn trăn trở tìm cách đưa sản phẩm ra thị trường. Để khắc phục điểm yếu của một doanh nghiệp nhỏ trong việc tiếp thị sản phẩm, Công ty đã xây dựng các mối quan hệ hợp tác trong chuỗi giá trị với các tiêu chí đồng bộ từ sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, thương hiệu “Gạo 721 - Tốt cho mọi nhà” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, được bình chọn là Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2017, 2018, đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2017, cấp khu vực năm 2018 và cấp quốc gia năm 2019.

Công ty TNHH MTV Cà phê 721 đưa sản phẩm “Gạo 721 - Tốt cho mọi nhà” đi giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm
Công ty TNHH MTV Cà phê 721 đưa sản phẩm “Gạo 721 - Tốt cho mọi nhà” đi giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm.

Hướng đến mục tiêu góp phần nâng cao vị thế thương hiệu gạo Việt, năm 2020, Ban Giám đốc công ty đã tìm cách kết nối, ký hợp đồng với Trại Nghiên cứu và Sản xuất giống Hồ Quang ở Sóc Trăng - đơn vị sản xuất ra giống lúa thơm ST nổi tiếng. Chia sẻ về định hướng phát triển của Công ty trong giai đoạn mới, ông Trịnh Xuân Tài cho biết: “Bên cạnh việc giữ vững ổn định diện tích lúa hiện có, chúng tôi sẽ liên kết và “đỡ đầu” cho các hộ trồng lúa ở cánh đồng 132 xã Cư Elang để mở rộng, ổn định vùng nguyên liệu, đồng thời đầu tư xây dựng thêm 2 lò sấy, nâng công suất lên 120 tấn/ngày; sử dụng chế phẩm vi sinh cho cây lúa nhằm vươn tới trở thành cơ sở sản xuất chính giống lúa ST24, ST25 của Trại giống Hồ Quang tại Tây Nguyên và miền Trung. Thực hiện được mục tiêu này, sản phẩm gạo của Công ty sẽ được xuất bán sang thị trường châu Âu”.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.