Multimedia Đọc Báo in

Nghề nuôi bò chọi của đồng bào Mông ở Cư Pui

08:31, 25/02/2021

Đến lập nghiệp và sinh sống tại huyện Krông Bông, cộng đồng người Mông vẫn duy trì hội chọi bò truyền thống vào mỗi dịp tết đến, xuân về. Từ đó hình thành nên nghề nuôi bò chọi ở xã Cư Pui. Để có được những con bò chọi tham gia các cuộc thi đòi hỏi người nuôi bò phải tuyển chọn, nuôi và huấn luyện khá công phu và tốn kém.

Xã Cư Pui hiện có khoảng 20 hộ dân duy trì nghề nuôi bò chọi, hằng năm cung cấp khoảng 30 con bò có đủ điều kiện tham gia thi đấu. Theo các chủ nuôi bò, bò thi đấu có tuổi đời trên 5 năm giá trị có thể lên tới hơn 60 - 80 triệu đồng/con. Tùy theo thời điểm nuôi mà định giá lời lãi cũng như tổng thu nhập của từng hộ nuôi, song trung bình mỗi con bò chọi mang về lợi nhuận cho người nuôi khoảng 15 triệu đồng/năm.

Giống bò chọi thường được bà con chọn giống từ Lào, Thái Lan và một số giống bò từ huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng) về nuôi. Việc nuôi bò chọi khá công phu, chuồng được lát ván để giữ cho đôi chân bò sạch sẽ, khô thoáng phòng tránh các loại nấm gây bệnh; thức ăn là cỏ xanh băm nhỏ, cám ngô nấu chín; trong quá trình nuôi phải thường xuyên tắm cho bò nhằm loại bỏ các loại ký sinh trùng gây lở loét. Bò chọi trước khi thi đấu hạn chế tối đa cho giao phối sinh sản để giữ cơ thể cường tráng. Đối với bò chọi, quan trọng nhất là cặp sừng nhọn, dài và chắc khỏe; mắt bò chọi phải không quá to, phải sâu, con ngươi sáng quắc thì mới “máu" chọi...

Ông Sùng Văn Lùng và một trong những con bò chọi trưởng thành mà gia đình đang nuôi. Ả
Ông Sùng Văn Lùng và một trong những con bò chọi trưởng thành mà gia đình đang nuôi.

Ông Sùng Văn Lùng (thôn Ea Lang) là một trong những người có nhiều kinh nghiệm nuôi bò chọi từ khi còn ở quê hương Bắc Kạn. Định cư ở xã Cư Pui từ năm 1996, gia đình ông cũng tiếp tục nuôi bò chọi, trong nhà lúc nào cũng có từ 3 - 4 con bò đủ sức tham gia các lễ hội chọi bò.

Còn anh Dương Văn Thà (thôn Cư Rang) năm nào cũng duy trì nuôi một đôi bò khỏe mạnh để tham gia hội chọi khắp các địa phương trong tỉnh. Anh Thà cũng là người có nhiều kinh nghiệm tuyển chọn bò giống để cung cấp cho những người có cùng đam mê nuôi bò chọi tại các xã lân cận trong huyện. Anh cho biết: "Đồng bào Mông nghiện xem chọi bò cũng như người dân miền xuôi thích xem bóng đá vậy, nên coi việc nuôi bò chọi cũng là đam mê. Mỗi con bò chọi như một thành viên trong gia đình. Sau một thời gian nuôi, nếu thấy đủ điều kiện thì đưa bò đi chọi thử để rèn luyện khả năng thi đấu, sau đó mới chính thức tham gia các hội chọi".

Gia đình anh Lý Văn Sính (thôn Ea Uôl) đã có nhiều đời nuôi bò chọi. Theo anh Sính, việc lựa chọn và nuôi dưỡng một con bò chọi đòi hỏi sự kỳ công và nhẫn nại, bò chọi được chọn phải có đầu to, mắt nhỏ, má dày, mỏ ngắn, da dày, lông mượt, hai tai ngắn ép sát vào thân, chân to khỏe, dáng lực lưỡng, săn chắc. Khi nuôi, xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp tránh để bò quá béo hoặc quá gầy sẽ không đủ sức để thi đấu..

Vàng A Hiệp

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.