Multimedia Đọc Báo in

Những dấu ấn đầu nhiệm kỳ ở huyện Ea Súp

16:33, 05/02/2021

Huyện Ea Súp đã sớm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bước đầu tạo được những dấu ấn quan trọng, nhất là công tác cán bộ và triển khai các công trình trọng điểm.

Công tác cán bộ được huyện hết sức chú trọng. Theo đó ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tiến hành rà soát, đánh giá đặc điểm, tình hình của các cơ quan, địa phương để luân chuyển, bố trí cán bộ cho phù hợp, đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu công việc thực tiễn. Trên cơ sở đánh giá năng lực, phẩm chất, sở trường, huyện có hướng sắp xếp, điều động, luân chuyển cán bộ với tinh thần công khai, dân chủ, tránh cục bộ nên tạo được sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, sự tin tưởng trong quần chúng nhân dân.

Bí thư Huyện ủy Ea Súp Nguyễn Thiên Văn thăm một dự án nông nghiệp trên địa bàn huyện
Bí thư Huyện ủy Ea Súp Nguyễn Thiên Văn thăm một dự án nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Tháng 3-2020, Bí thư Huyện Đoàn Ea Súp Lê Hồng Hạnh được Huyện ủy Ea Súp điều động về làm Bí thư Đảng ủy xã Ea Bung. Chấp hành quyết định của tổ chức, nhưng với nhiệm vụ mới anh Hạnh khá lo lắng vì thời điểm đó, xã Ea Bung đang giai đoạn cuối về đích nông thôn mới, một số cán bộ bị kỷ luật, cùng những khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới. Vấn đề anh Hạnh quan tâm nhất là phát huy quy chế dân chủ trong cấp ủy đảng, chính quyền, mọi việc lớn nhỏ đều có sự thống nhất và cụ thể hóa bằng các văn bản. Bên cạnh đó, anh nhanh chóng bắt tay vào một số công việc như: xóa sức ỳ và tạo sự chuyển biến trong tác phong lề lối làm việc tại cơ quan; quan tâm những vấn đề “nóng” của xã và khó khăn của người dân. Nhờ đó, tình hình tại địa phương đã có những thay đổi tích cực khi tinh thần đoàn kết nội bộ được củng cố, khí thế làm việc của cán bộ, đảng viên hưng phấn hơn, không còn tình trạng người dân vi phạm lâm luật và quy chế quản lý biên giới.

Mô hình trồng cây ăn trái của người dân xã Ia R’vê, huyện Ea Súp -
Mô hình trồng cây ăn trái của người dân xã Ia R’vê, huyện Ea Súp.

Anh Nguyễn Bá Bân được bổ nhiệm chức vụ Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp vào cuối tháng 12-2020. 16 năm công tác trong ngành nông nghiệp, anh Bân hiểu rõ tiềm năng, lợi thế của địa phương là quỹ đất rộng, có các công trình thủy lợi quy mô lớn và người dân đến từ các địa phương khác nhau có kinh nghiệm canh tác nhiều loại cây trồng. Tuy nhiên, điều trăn trở của anh là sản xuất nông nghiệp của huyện còn manh mún, khả năng áp dụng công nghệ cao còn hạn chế và sản phẩm chưa có thương hiệu. Do đó, nhiệm vụ đặt ra của ngành nông nghiệp huyện sắp tới là hình thành những vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn; phát triển liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật ở các khâu sản xuất; đồng thời xây dựng, quảng bá thương hiệu một số sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương như: lúa gạo, xoài và các loại cây có múi.

Bí thư Huyện ủy Ea Súp Nguyễn Thiên Văn cho biết, với những đồng chí nhận công tác mới, lãnh đạo huyện thường xuyên động viên, nhắc nhở và chỉ đạo công việc. Qua theo dõi đánh giá, đến nay những cán bộ được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm đã phát huy tốt năng lực, sở trường, chủ động phát huy vai trò lãnh đạo và sâu sát với cơ sở, tạo những chuyển biến tích cực tại các cơ quan, phòng, ban.

Bí thư Đảng ủy xã Ea Bung Lê Hồng Hạnh (hàng đầu, thứ tư từ trái sang)  thăm Hợp tác xã xoài Ea Súp - (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Bí thư Đảng ủy xã Ea Bung Lê Hồng Hạnh (hàng đầu, thứ tư từ trái sang) thăm Hợp tác xã xoài Ea Súp. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cùng với công tác cán bộ, một dấu ấn đáng ghi nhận của huyện Ea Súp từ đầu nhiệm kỳ này là đã thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng các công trình lớn trên địa bàn huyện. Cụ thể, các cơ quan chức năng của huyện đã phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh để giải phóng mặt bằng với diện tích 19.617 m2, kinh phí bồi thường hỗ trợ 9,8 tỷ đồng, phục vụ thi công Đường dây 500 kV của nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp 4. Đối với kênh chính Đông Ia Mơ của công trình Hồ chứa nước Ia Mơr huyện đã huy động cả hệ thống chính trị kiểm ra, sà soát nguồn gốc, hiện trạng và thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân để thu hồi, giải phóng mặt bằng với diện tích 597.044 m2 đất của 145 tổ chức, cá nhân, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng.

Minh Kiệt

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.