Xã Yang Mao (Krông Bông): Nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới
Xã Yang Mao (huyện Krông Bông) có 11 thôn, buôn với 1.140 hộ, 5.459 khẩu, trong đó trên 80% dân số là đồng bào dân tộc Êđê và M’nông.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2025 xã Yang Mao sẽ cán đích nông thôn mới. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, xã Yang Mao mới đạt 10/19 tiêu chí và một số tiêu chí còn lại rất khó hoàn thành.
Xã Yang Mao có 4 trường học ở 3 cấp học mẫu giáo, tiểu học và THCS với 1.187 học sinh song cơ sở vật chất của các trường hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học. Nhiều điểm trường lẻ chưa có cổng trường, tường rào, sân bê tông, đặc biệt một số trường trên địa bàn thiếu quỹ đất để xây dựng các phòng chức năng, nhà hiệu bộ và sân chơi cho học sinh. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục rất thấp; tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học hằng năm vẫn còn cao, nhất là ở bậc THCS, tỷ lệ học sinh bỏ học gần 5%; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên còn thiếu, nhất là bậc học mầm non; công tác xã hội hóa giáo dục còn nhiều khó khăn.
Vấn đề nhà ở, nước sạch sinh hoạt, vệ sinh môi trường của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng rất nan giải. Hiện vẫn còn hàng chục hộ dân đang ở trong những căn nhà tạm hoặc nhà được hỗ trợ xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình 167, Chương trình 134 nay đã xuống cấp trầm trọng; trên 70% gia đình người dân tộc thiểu số chưa có nguồn nước sạch, hợp vệ sinh để sử dụng. Phần lớn các gia đình chưa có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh; nhiều hộ vẫn chăn nuôi gia súc, gia cầm thả rông, không có chuồng trại, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhiều thôn, buôn chưa có hệ thống điện đường chiếu sáng ban đêm; nhà sinh hoạt cộng đồng ở các thôn, buôn hoạt động chưa hiệu quả; các lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn chưa được quan tâm, đang có nguy cơ bị mai một.
Nhiều ngôi nhà trong buôn M'nang Dơng đã xuống cấp nghiêm trọng. |
Hai tiêu chí khó đạt nhất đối với xã Yang Mao là thu nhập và hộ nghèo. Theo thống kê, đến cuối năm 2020 xã Yang Mao vẫn có đến 528/1.140 hộ nghèo, chiếm 46,3% và 303/1.140 hộ cận nghèo, chiếm 26,6%. Tuy tỷ lệ hộ nghèo hằng năm có giảm nhưng không bền vững, tình trạng tái nghèo vẫn diễn ra. Thu nhập bình quân đầu người của người dân xã Yang Mao hiện nay mới đạt 17 triệu đồng/năm.
Mặc dù người dân được hỗ trợ nhiều nguồn từ các chương trình, dự án trong hàng chục năm qua, song thu nhập bình quân đầu người không tăng, tỷ lệ hộ nghèo vẫn không giảm mà một trong số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là không ít người dân vẫn còn nặng tư tưởng “trông chờ, ỷ lại”, thiếu nỗ lực, chưa phát huy nội lực để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, thoát nghèo. Nhiều người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm, lãng phí sức lao động; đất đai nhiều nhưng phần lớn là đất đồi dốc, cằn cỗi lại trồng các loại cây kém hiệu quả và vẫn canh tác theo lối truyền thống nên năng suất, hiệu quả đạt thấp. Ngoài ra, mỗi năm xã Yang Mao có hàng chục héc ta đất màu ven suối bị sạt lở trong mùa mưa bão; hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất; việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi chưa mang lại hiệu quả...
Nhiều vườn cây trồng của đồng bào M'nông buôn Kiều không mang lại hiệu quả. |
Để hoàn thành những tiêu chí còn lại, nhất là những tiêu chí khó, xã Yang Mao đang nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, phát huy nội lực, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương.
|
Trên địa bàn xã Yang Mao cũng chưa có mô hình trồng trọt, chăn nuôi nào hiệu quả để nhân rộng; nhiều hộ dân trồng trọt, chăn nuôi theo phong trào, không đầu tư, chăm sóc nên không đạt kết quả. Ông Y Khoang Byă (Ama Xung) ở buôn Kiều cho biết: "Gia đình có 8 khẩu nhưng chỉ có hơn 1 sào ruộng nước và hơn 2 ha đất đồi dốc cao. Không biết trồng cây gì, thấy nhiều gia đình trong buôn trồng cà phê nên gia đình cũng làm theo. Do đất xấu, thiếu nước, thiếu phân nên cà phê ít quả. Cuối năm thu hoạch không đủ tiền chi phí".
Ông Trần Kim Phụng, Chủ tịch UBND xã Yang Mao cho biết: Địa phương đang kêu gọi các doanh nghiệp ở những địa phương khác có đủ điều kiện vào xã Yang Mao đầu tư các trang trại chăn nuôi quy mô lớn; trang trại trồng các loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao để thu hút lao động tại địa phương. Xã cũng tích cực vận động người dân tận dụng tối đa diện tích đất hiện có để trồng trọt, áp dụng công nghệ cao trong trồng trọt chăn nuôi; tổ chức cho nông dân đi tham quan các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả ở các địa phương khác; khuyến khích những người trong độ tuổi đi làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp ở các tỉnh phía Nam để có thêm thu nhập. Trong thời gian tới, địa phương sẽ mời các nhà khoa học về đây nghiên cứu chất đất, khí hậu để tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp và tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp bà con nông dân chuyển đổi cây trồng có hiệu quả.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc