Multimedia Đọc Báo in

Chấn chỉnh mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung

06:20, 11/03/2021

Mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung là "chìa khóa" quan trọng trong tiết kiệm chi tiêu công, là một trong những biện pháp hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã chú trọng việc triển khai mua sắm tập trung, nhưng đến nay, việc thực hiện vẫn còn nhiều bất cập.

Không mua được vì… chậm chân

Năm 2020 là năm thứ tư tỉnh Đắk Lắk thực hiện mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung trên diện rộng và là năm thứ hai thực hiện theo Quyết định 04/2019 /QĐ-UBND, ngày 8-4-2019 của UBND tỉnh ban hành Quy định mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (Quyết định 04). Tuy nhiên, việc mua sắm tập trung năm 2020 vẫn còn vướng mắc từ khâu đăng ký đến lựa chọn thiết bị và tiến trình thực hiện nên chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng máy móc, thiết bị tại các cơ quan, đơn vị.

Cụ thể, UBND tỉnh phê duyệt 26 gói thầu mua sắm tập trung (tổng giá trị gần 197,5 tỷ đồng), nhưng có một gói thầu (gói thầu số 26: mua sắm trang, thiết bị y tế cho Bệnh viện Tâm thần tỉnh) không thực hiện đấu thầu vì trong danh mục thiết bị y tế sản xuất trên thị trường có 3 thiết bị đề nghị mua sắm đã ngừng sản xuất. Một số đơn vị đầu mối không chấp hành đúng thời gian đăng ký nhu cầu mua sắm tập trung tại Quyết định 04 như: UBND các huyện Buôn Đôn, M’Drắk, Cư M’gar, Krông Pắc...

Gói thầu mua sắm bàn, ghế học sinh tại các trường học trên địa bàn tỉnh năm 2020 đấu thầu không thành công. (Trong ảnh: Học sinh ôn bài trong lớp tại một trường học ở xã Cư Kbang, huyện Ea Súp). Ảnh: Thanh Hường
Gói thầu mua sắm bàn, ghế học sinh tại các trường học trên địa bàn tỉnh năm 2020 đấu thầu không thành công. (Trong ảnh: Học sinh ôn bài trong lớp tại một trường học ở xã Cư Kbang, huyện Ea Súp). 

Bên cạnh đó, việc thực hiện đấu thầu mua sắm tập trung kéo dài so với tiến độ quy định. Cụ thể, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu thầu đợt 1 đối với 13 gói thầu vào tháng 5-2020, 12 gói thầu của đợt 2, 3 vào tháng 6 và tháng 7, nhưng đến ngày 2-12-2020 các bên liên quan mới ký thỏa thuận khung 13 gói thầu; 6 gói thầu hoàn thiện, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến (giai đoạn kết quả lựa chọn nhà thầu); 3 gói thầu đang tiến hành thương thảo, hoàn thiện hợp đồng; 3 gói thầu đang trong giai đoạn chấm thầu; 1 gói thầu phải hủy do thời gian chấm thầu vượt quá quy định (hết năm 2020 mà chưa chấm thầu xong).

Như vậy, việc thực hiện mua sắm tập trung chậm trễ khiến nhiều cơ quan, đơn vị “mất lượt” mua sắm tài sản công và một số đơn vị mua sắm không thành công do thời gian đấu thầu vượt quá quy định. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động của chính cơ quan, đơn vị và nhu cầu được phục vụ chính đáng của nhân dân khi thực hiện các công việc liên quan.

Sớm chấn chỉnh

Mua sắm tập trung thông qua hình thức đấu thầu trực tiếp, đấu thầu qua mạng rộng rãi sẽ góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho nhiều nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hóa tham gia; cơ chế công khai, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm được quy định chặt chẽ sẽ góp phần vào việc phòng, chống tham nhũng trong mua sắm tài sản nhà nước. Đồng thời, việc mua sắm tập trung cũng góp phần đảm bảo quản lý, sử dụng tài sản nhà nước chặt chẽ, đúng pháp luật, tránh tình trạng trang bị tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức...

Bác sĩ huyện Krông Pắc khám và điều trị bệnh cho bệnh nhân.
Bác sĩ huyện Krông Pắc khám và điều trị bệnh cho bệnh nhân.

Để chấn chỉnh hoạt động mua sắm tập trung trên địa bàn, UBND tỉnh vừa ban hành văn bản số 1505/UBND-KT, ngày 22-2-2021 về việc mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung năm 2021 và các năm tiếp theo. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tập trung rà soát, nâng cao hiệu quả hoạt động và chấp hành nghiêm quy định thời gian, tổ chức lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung, tránh tình trạng chấm thầu vượt quá quy định, không tổ chức lựa chọn nhà thầu hoặc các trường hợp mang tính chất chủ quan khác… Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chấn chỉnh công tác thực hiện mua sắm tài sản công, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đăng ký, thẩm định, tổ chức lựa chọn nhà thầu chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ mua sắm tài sản công phục vụ công tác chuyên môn của các cơ quan đơn vị trên địa bàn. Sở Nội vụ (Ban Thi đua khen thưởng tỉnh) theo dõi, không thực hiện bình xét thi đua khen thưởng cuối năm đối với với các cơ quan, đơn vị vi phạm…

Mua sắm tập trung sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và sản phẩm được mua dựa trên nhu cầu của các cơ quan, đơn vị nhằm trợ lực cho các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ của mình hiệu quả hơn. Do đó, chấn chỉnh hoạt động mua sắm tập trung kịp thời vừa góp phần sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả, vừa nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ nhân dân, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2020 toàn tỉnh có 26 gói thầu mua sắm tập trung được phê duyệt (với tổng số tiền gần 197,5 tỷ đồng) nhưng chỉ có 23 gói thầu đấu thầu với tổng giá trị được phê duyệt hơn 180,9 tỷ đồng, tổng giá trị trúng thầu gần 179,2 tỷ đồng, giá trị trúng thầu giảm so với giá phê duyệt hơn 1,75 tỷ đồng.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.